QĐND - Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng đã có những bước phát triển mang tính cách mạng, đột biến. Đó là sự kiện dân tộc ta đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ thực dân-phong kiến, giành độc lập dân tộc; kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước và nay đang xây dựng đất nước theo mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" và hội nhập với cộng đồng quốc tế. Các sự kiện này đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về mặt lịch sử, vai trò lãnh đạo của Đảng ta đã có ngay từ thời kỳ vận động cách mạng, từ những năm 30 của thế kỷ XX. Khác với nhiều quốc gia, dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trước khi Nhà nước ta được thành lập. Nói chính xác hơn, Đảng ta là người thành lập và lãnh đạo các tổ chức chính trị và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945), nay là nước CHXHCN Việt Nam. Dựa trên quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, ngay từ khi mới ra đời (1930), Đảng ta đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Vào thời điểm cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày 18-11-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định thành lập Hội phản đế đồng minh-tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dưới ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản Đảng (tổ chức tiền thân của Đảng CSVN), ngày 28-7-1929, Tổng Công hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam ra đời. Đây là tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay. Ngày 20-10-1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập; ngày 26-3-1931, Đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam (nay là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) được thành lập...
Về nhà nước, "Đại hội Quốc dân" (họp ở Tân Trào ngày 16-8-1945) là tiền thân của Quốc hội và "Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương", tiền thân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) cũng do Đảng ta thành lập.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta cho đến nay là thành quả của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trong cuộc cách mạng đó, hàng triệu chiến sĩ cộng sản đã hy sinh, để lại một phần xương máu trên chiến trường, hoặc mang trong mình những căn bệnh quái ác do ảnh hưởng của chất độc da cam/đi-ô-xin… Với những đóng góp to lớn đó của Đảng CSVN đối với dân tộc, tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam đã coi Đảng CSVN là Đảng của mình và đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSVN đã xác định. Bởi vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN được quy định ở Điều 4, Hiến pháp 2013 là hoàn toàn hợp lý, không phải là "toàn trị", không là "độc đoán" như quan điểm của một số người.
Trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng CSVN là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài gần 3/4 thế kỷ qua, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận đó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam và thuận theo quy luật phát triển của nền văn minh nhân loại, đó là giành độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến. Tư tưởng này đã được thể hiện mạnh mẽ trong "Tuyên ngôn Độc lập", do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố vào ngày 2-9-1945. Không phải ngẫu nhiên Người đã trân trọng trích dẫn "Tuyên ngôn độc lập (1776) của Mỹ; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789), trong văn kiện khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đường lối cách mạng "độc lập dân tộc gắn liền với CNXH" mà nội dung là bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, gắn liền với xây dựng đất nước theo con đường XHCN.
Không phủ nhận rằng trong một vài thời kỳ lịch sử, trong một số chính sách của Đảng CSVN cũng có những sai lầm, giáo điều về lý luận, nhất là giáo điều trong việc học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Đảng ta đã phát hiện sai lầm và sửa chữa. Có thể nói ở những bước ngoặt của cách mạng, Đảng CSVN đã "nhìn thẳng vào sự thật" điều chỉnh và phát triển sáng tạo đường lối cách mạng đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta vững bước tiến lên.
Tư tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại đã được Đảng ta nghiên cứu vận dụng, trong việc xây dựng nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Hiến pháp 2013 đã thiết lập thể chế: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Đảng đang được triển khai tích cực, trong đó các quyền con người và quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ. Phương án tổ chức tòa án nhân dân (TAND) sơ thẩm khu vực, không phụ thuộc vào địa giới hành chính nhằm đề cao tính độc lập, khách quan, trong hoạt động xét xử, hạn chế sự lệ thuộc giữa tòa án với cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc Hiến định về tổ chức và hoạt động của TAND là "khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" sẽ được chỉnh sửa thông qua trong thời gian không xa.
Đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế không chỉ là một nội dung tư tưởng chính trị mà chính là sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kéo dài tới 30 năm, xã hội ta không thể tránh khỏi những khác biệt nào đó về quan điểm chính trị. Tuy nhiên, cho đến nay quan điểm của Đảng ta là: "Đại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai". Những người cho rằng, đến nay sự lãnh đạo của Đảng đã "kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc", phải chịu trách nhiệm trước lương tâm và lịch sử.
Trên lĩnh vực đối ngoại, đường lối nhất quán của Đảng ta là: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Nguyên tắc trong quan hệ quốc tế của Đảng ta là: Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, không phủ nhận rằng, trong một thời gian khá dài, nhất là từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, Đảng ta chưa quan tâm đúng mức đến chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung, trong nội bộ Đảng nói riêng. Điều này đã được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ và đã đề các biện pháp khắc phục. Trong điều kiện Đảng ta là đảng lãnh đạo, cầm quyền, cuộc đấu tranh này chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Điều quan trọng là chủ trương này đã được tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ; được Quốc hội ta đặc biệt quan tâm, thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và chỉnh sửa các đạo luật trong thời gian tới.
Trên lĩnh vực pháp lý, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng CSVN đã được nhân dân ta khẳng định thông qua văn kiện quan trọng nhất của Nhà nước, đó là Hiến pháp. Hiến pháp 2013 đã quy định rõ vai trò và phạm vi hoạt động của Đảng CSVN. Điều 4 quy định: "Đảng CSVN… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng CSVN hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (Điều 4, Hiến pháp 2013).
Đảng CSVN lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng các chủ trương, đường lối, chính sách, bằng việc giới thiệu cán bộ, đảng viên tham gia hệ thống chính trị và bằng sự nêu gương của đảng viên. Nếu như ở đâu đó cấp ủy quyết định những vấn đề thuộc về chính quyền thì đó là sai lầm khuyết điểm của cấp ủy và đảng viên của đảng ở đó. Bởi vậy, những ai cho rằng, đến nay Đảng ta "vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị", hoặc cho rằng, Đảng CSVN đứng "trên Nhà nước và pháp luật" là không phù hợp với quan điểm của Đảng cũng như thực tiễn cách mạng nước ta.
Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng CSVN là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của nhân dân ta. Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta bắt nguồn từ lịch sử, từ đặc trưng của cuộc cách mạng của nhân dân ta qua gần 3/4 thế kỷ. Vai trò đó đã được đại bộ phận nhân dân đồng thuận, được quy định trong Hiến pháp. Không một cá nhân, tổ chức nào có quyền phủ nhận lịch sử, nhân danh "dân chủ" để bóp méo, xuyên tạc sự thật này.
PHƯƠNG NHI
0 nhận xét:
Đăng nhận xét