Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Siết trách nhiệm chi tiêu ngân sách

Phải siết kỷ luật, kỷ cương ngân sách, tránh tình trạng thiếu trách nhiệm trong chi tiêu ngân sách như hiện nay. Đó là khuyến nghị được đưa ra tại Hội nghị đối thoại cao cấp Nhóm đối tác tài chính công giữa Bộ Tài chính và các đối tác phát triển, tổ chức tại Hà Nội ngày 20/8.

Hội nghị đã thông qua kế hoạch 2014-2015 của Nhóm, trong đó có các hoạt động quan trọng là đối thoại về sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước; Xây dựng và triển khai lộ trình Hệ thống Thông tin Quản lý Tài chính Chính phủ; Trao đổi thông tin, đối thoại về tình hình triển khai và đánh giá hiệu quả chính sách liên quan tới hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SXKD; Cơ chế, chính sách về sở hữu, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Đánh giá chi tiêu công; Tình hình tái cấu trúc, cổ phiếu hóa DNNN; Tình hình triển khai các nhiệm vụ phát triển đồng bộ thị trường vốn và công cụ tài chính nhà nước; Đánh giá và cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch Trung hạn. Hiện các hoạt động này được đề xuất và thực hiện bởi Bộ Tài chính.

Siết trách nhiệm chi tiêu ngân sách - 53f5545e6ad9e_medium.jpg

Luật Ngân sách (sửa đổi) sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho người ra quyết định đầu tư

Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến đóng góp với việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, và yêu cầu cần quản lý chặt các quỹ tài chính, siết chặt kỷ luật ngân sách. Một trong những nội dung đưa ra mà nhiều đại biểu Quốc hội đã từng chất vấn Chính phủ là quy định về quản lý các quỹ tài chính Nhà nước. Trong khi ngân sách rất khó khăn nhưng vẫn có hàng chục quỹ đang hoạt động nằm ngoài ngân sách. Luật đã quy định không được chi vượt dự toán nhưng mặc dù ngân sách đã rơi vào tình thế thu ít, chi nhiều, đã từng có lúc ngân sách ngấp nghé cảnh thu không đạt dự toán và cho dù tình hình kinh tế, tình hình DN được dự báo, cảnh báo vẫn rất khó khăn, nguồn thu bị ảnh hưởng lớn nhưng chi vẫn vượt dự toán.

"Việc chi ngoài dự toán thường xuyên xảy ra, diễn ra khá phổ biến", theo TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Nguyên nhân bởi "chưa có chế tài". Vì vậy, ông Nhã cho rằng Luật sửa đổi phải có chế tài xử lý, chi vượt, không đúng dự toán sẽ bị xử lý kỷ luật, lãnh đạo các cơ quan đó phải có trách nhiệm giải trình trước cơ quan lập pháp và chịu sự đánh giá mức độ tín nhiệm của các cơ quan dân cử.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng "ai chi ngân sách thì người đó phải có trách nhiệm giải trình". Cụ thể, các khoản chi ngân sách địa phương do HĐND cấp tỉnh phê duyệt mà đầu tư sai thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đầu tư dàn trải, lãng phí thì đó là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài chính có trách nhiệm giải trình về ngân sách trung ương và hướng dẫn, kiểm tra và "thổi còi những ai làm sai". Để kỷ luật ngân sách được thực hiện nghiêm, được siết chặt, Bộ trưởng Dũng đề nghị khi chất vấn về ngân sách các đại biểu cần phải chất vấn người có trách nhiệm tại địa phương.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Tài chính, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đề nghị Luật Ngân sách sửa đổi cần nhấn mạnh hơn nữa kỷ luật ngân sách và vai trò giải trình trong việc chi tiêu ngân sách phân định trách nhiệm rõ ràng hơn. WB nhận thấy trong giai đoạn tới, cải cách tài chính công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tái cấu trúc lại nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa cũng tái khẳng định WB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính Việt Nam trong quá trình cải cách quan trọng này.

Theo kế hoạch, trong tháng 9, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi); tháng 10 sẽ báo cáo, thảo luận tại Quốc hội và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (tháng 5/2015).

Hà Linh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . Tin tuc hot online, Tin nong trong ngay - Posts · Comments
Theme Designed by tintuchotonline