(PLO) Đó là ý kiến được Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu ra trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14- 8) về dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi.
Công chức, viên chức cũng phải đi NVQS
Theo ông Thanh, quy định hiện nay chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với một số đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên. Những người đang làm công chức, viên chức còn lại không được miễn.
Tuy nhiên, thực tế theo ông Thanh, đi nghĩa vụ quân sự có tới 90% là con em nông dân, còn các cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong đội ngũ chính trị, xã hội gần như không tuyển. "Tới đây chúng ta sẽ phải xem lại vấn đề này để đảm bảo sự công bằng. Và từ năm 2015 trở đi chúng ta sẽ tập trung gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự" – ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thanh, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình là quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ đã được giải trình như trên. Vì thế, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những trường hợp không thuộc đối tượng trên sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ sẽ được các nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục tiếp nhận lại để tiếp tục học tập.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự: "Ngày trước thỉnh thoảng tôi còn thấy gọi công chức, viên chức đi nghĩa vụ quân sự, nhưng bây giờ thì lại không thấy còn nữa. Như thế là không bình đẳng. Ngay những người làm trong Văn phòng Quốc hội nếu đang ở độ tuổi cũng phải đi nghĩa vụ quân sự " – bà Ngân nêu ý kiến.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, không nên miễn, chỉ miễn khi không đủ sức khỏe. "Công an cũng phải làm nghĩa vụ quân sự, làm nghĩa vụ quân sự xong rồi về làm công an. Các đồng chí mà nói đến câu chuyện miễn, miễn nghĩa vụ quân sự là không được" – ông Hùng nhấn mạnh.
Không thay thế nghĩa vụ quân sự
Việc cóquy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) để bảo đảm công bằng đối với công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là nội dung cũng gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên Chính phủ cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng về nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Do đó, Chính phủ đề nghị không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và nhiều đại biểu khác đề nghị cần có nhiều hình thức để công dân được thực hiện nghĩa vụ quân sự, chứ không nhất thiết cứ phải vào quân đội.
Thành Văn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét