Hơn nửa thời gian của năm 2014 trôi qua, địa ốc hai đầu Bắc - Nam chậm rãi đếm nhịp ngày tháng, với hy vọng có cơ sở về sự hồi phục của thị trường. Cùng nhìn về một hướng, người mua, kẻ tạo lập BĐS, dân đầu tư thứ cấp hay nhà chức trách đều tỏ ra lạc quan so với thời gian đóng băng đáng sợ năm 2013.
Giao dịch tăng rõ nhất ở phân khúc nhà thương mại giá trung bình trở xuống, người cần nhà háo hức chờ "phiên chợ" BĐS xôm tụ nhiều hơn nữa các dự án "ngon - bổ - rẻ". Nhưng cũng chỉ trong 7 tháng qua (đỉnh điểm là tháng 7), sai phạm pháp luật ngày càng nhiều hơn cả về chất lẫn lượng…
"Trời xanh" nổi bão
Khởi đầu tháng "cô hồn", giới quản lý, đội ngũ tạo lập BĐS, thậm chí nhiều đơn vị báo chí truyền thông quan tâm đặc biệt tới nền địa ốc nước nhà "lặng người" trước thông tin 3 lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt, tạm giam và khởi tố theo tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS.
Nhân vật đáng chú ý đầu tiên - "quen mặt" nhất với cánh phóng viên - là ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam. Gần gũi với giới báo chí, trả lời thẳng thắn và có chiều sâu, nhân vật này luôn có mặt trong các buổi hội thảo, chuyên đề luận bàn về chính sách, thị trường.
Thậm chí, khi còn ngồi "ghế nóng" Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) thời điểm quý I/2014, ông Mai còn được kỳ vọng sẽ phát huy tối đa vai trò của nhà băng này và "hà hơi thổi ngạt" cho DN địa ốc vừa mới lấy lại mạch đập…
Nhưng hiện tại, bên cạnh vị thế và tầm ảnh hưởng của vị lãnh đạo không còn, dư luận càng có cớ để "soi" gói 50.000 tỷ đồng do Tập đoàn Thiên Thành và VNCB tung ra hồi đầu năm.
Ông Mai, nguyên Tổng Giám đốc VNCB, cùng 2 đồng nghiệp khác (ông Phạm Công Danh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; ông Mai Hữu Khương - Nguyên thành viên HĐQT, phụ trách Tài chính) cùng lúc bị bắt.
Bất chấp động thái trấn an dư luận của HĐQT VNCB (miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự mới), nhưng rất nhiều NĐT, khách hàng tham gia dự án do Thiên Thanh nắm giữ đang đứng ngồi không yên về số tiền đã bỏ ra.
Kể sơ sơ: Khu Du lịch nghỉ dưỡng Long Hải Beach Resort (Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu phức hợp TM-DV Thiên Thanh Đà Nẵng; Khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ (Quảng Nam); Dự án Tổ hợp TM - DV - KS Thiên Thanh Quảng Ngãi; Dự án Trung tâm Kinh doanh Dịch vụ Ôtô Thiên Thanh; Khu nhà cao tầng Khách sạn - văn phòng Green Plaza Đà Nẵng; Dự án trung tâm Thương mại VLXD-TTBNT Thiên Thanh; Khách sạn - Nhà hàng 43 Nguyễn Văn Giai; Dự án khu dân cư Tây Thạnh; Dự án Nhà hàng 27 Tú Xương; Quản lý trung tâm Vật liệu xây dựng - Trang thiết bị nội thất Thiên Thanh tại quận 10, Tp.HCM…
Dự án Nhà ở NO4 Trần Duy Hưng UDIC
Ở Hà Nội, 29/7 cũng là ngày "đen" cho kẻ lừa đảo khoác trên mình tấm áo giảng viên Học viện Chính trị - Quốc gia. Theo đó, lợi dụng quen biết với Nguyễn Quốc Xương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VLXD & XNK Hồng Hà (đơn vị được UBND Tp.Hà Nội giao chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ từ năm 2010), Phạm Thị Phúc đã lừa đảo nhiều người nhẹ dạ với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng với chiêu "quen thân với lãnh đạo Công ty Hồng Hà nên được mua suất căn hộ và liền kề tại KĐT Việt Hưng".
Trước đó, vào giữa tháng 6, Nguyễn Quốc Xương đã lĩnh án 13 năm tù giam liên quan tới thực thi dự án phục vụ đề án giãn dân phố cổ tại Việt Hưng. Danh sách những nạn nhân bị hại, và những kẻ "ăn theo" trục lợi nhờ dự án đặc thù này còn kéo dài?
"Con dại cái mang", xưa rồi!
Chuyện khách hàng góp vốn đầu tư căn hộ dự án vào đơn vị A có tên trong liên doanh chủ đầu tư một dự án X, rồi sau đó "ngã ngửa" vì A bỗng biến mất khỏi pháp nhân dự án đã quá quen thuộc ở thị trường địa ốc nhiều năm nay.
Xoay quanh dự án trọng điểm của UDIC tham gia trong liên doanh chủ đầu tư là NO4 Đông Nam Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy) từ năm 2008. Ngang tầm pháp lý đơn vị "mẹ" ở dự án, năm 2011, Công ty UAC mạnh dạn thu tiền góp vốn của rất nhiều khách hàng với giá trị nhiều chục tỷ đồng.
Đầu năm 2013, hàng loạt Thượng đế bỗng giật mình vì UAC không còn đứng trong hàng ngũ liên doanh chủ đầu tư và cấp tập đòi tiền góp vốn. Nhưng mọi chuyện đã… an bài. Tổng Giám đốc UAC từ chối trách nhiệm với các hợp đồng đã ký giữa khách hàng và Chủ tịch HĐQT đơn vị, đồng thời khẳng định một số chứng từ, phiếu thu tiền của người bị hại là giả mạo.
Căng thẳng leo thang, vụ việc được đưa ra xử tại TAND quận Hai Bà Trưng cuối tháng 3/2014. Tuy nhiên, những căn cứ thực tế cho thấy người mua đã vào thế "đòi được vạ, má đã sưng". Cựu Chủ tịch HĐQT UAC (đại diện của UAC trong các hợp đồng góp vốn đã ký) không còn là "người" của UDIC từ tháng 3/2013.
Lãnh đạo cao nhất UAC lại khẳng định đơn vị cũng là… người bị hại: cựu Chủ tịch HĐQT UAC làm thất thoát gần 10 tỷ của DN; đồng thời khuyến nghị rất có thể phải chuyển sang xử ở tòa hình sự (!).
Phi lợi nhuận, phi Chính phủ và… phi pháp? Có lẽ, lình xình ở một đơn vị nhiều cái "phi" như VCCI hồi trung tuần tháng 7 mới đây chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Ngày 16/7, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận 4 sai phạm lớn tại đơn vị này.
Bên cạnh những vấn đề về thu chi (VCCI tự chủ về tài chính) liên quan tới khoản tiền gần 10 tỷ đồng chênh lệch sau hội nghị APEC2006 được VCCI "chủ động" gửi vào nhà băng để sinh lãi (thay vì nộp lại cho Ngân sách Nhà nước theo Luật định), hay bổ sung hóa đơn "chi tiếp khách"; dấu hỏi lớn được đặt ra với công tác đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của VCCI.
Cụ thể, với vai trò là chủ đầu tư, VCCI chưa thẩm định, phê duyệt, để cho Công ty Saturn phê duyệt điều chỉnh tổng dự toán công trình và ký hợp đồng với các nhà thầu - không đúng thẩm quyền theo quy định.
Trong khi đó, đại diện của Saturn - đơn vị hợp tác với VCCI đầu tư xây dựng trụ sở lại chính là một vị Phó Tổng thư ký của VCCI… Tuy nhiên, may mắn cho VCCI, Thanh tra Chính phủ đã khẳng định việc hợp tác mang yếu tố "người nhà" trong xây dựng trụ sở là không sai pháp luật (mặc dù đoàn thanh tra phát hiện bản hợp đồng vẫn còn một số sơ hở, thiếu chặt chẽ). Có chăng, chỉ là kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo liên quan.
Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường địa ốc xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn ; Đường dây nóng: 0942.825.711.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét