Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Dạy con đối phó với tình huống xấu

GiadinhNet - Trẻ mầm non, tiểu học là những đối tượng dễ bị kẻ xấu nhắm đến, cha mẹ cần chia sẻ cho con cách tự bảo vệ mình càng sớm càng tốt. Đồng thời, cần dạy trẻ nhận biết những tình huống không an toàn, tình trạng nguy hiểm thì cầu cứu sự trợ giúp của ai.

Dạy con đối phó với tình huống xấu 1

Cha mẹ cần dạy trẻ nhận biết những tình huống không an toàn, tình trạng nguy hiểm thì cầu cứu sự trợ giúp của ai. Ảnh: Hà Dương

 

Làm gì khi cha mẹ chưa đón?

Bé Hằng 5 tuổi, học mầm non luôn có người đưa đón. Hôm đó ba Hằng bị tai nạn xe máy, 18 giờ mẹ bé mới hối hả đi đón con. Tới trường mẹ thấy bé đang đu trên cánh cổng, bé bảo không nhớ số điện thoại của mẹ nên cô giáo không gọi cho mẹ được và muộn quá nên cô đã về.

Theo anh Trung Kiên (Trung tâm tư vấn Hội LHPN Việt Nam), trẻ từ 3 tuổi nên dạy con học thuộc số điện thoại, địa chỉ nhà bằng cách thường xuyên dạy con đọc đi đọc lại nhiều lần. Học thuộc số điện thoại, địa chỉ nhà giúp trẻ khi bị lạc ở siêu thị, bệnh viện, chợ, khách sạn... trẻ sẽ tìm bảo vệ hoặc nhân viên phục vụ để gọi điện báo cho người thân tới tìm. Khi tan học, lỡ người trong gia đình chưa đón trẻ sẽ đọc số điện thoại để cô giáo, bảo vệ trường gọi hoặc dặn trẻ cứ ở trong sân trường, có nhân viên bảo vệ sẽ được an toàn hơn.

Nếu trẻ quá bé, tốt nhất là viết tên trẻ và số điện thoại, địa chỉ của bố mẹ vào giấy bỏ trong túi hoặc có thể viết trực tiếp vào mặt trong  ba lô của trẻ.

Ứng xử khi trẻ bị chọc ghẹo

Cô Vũ Thị Thắm, giáo viên trường mầm non ở Đông Anh (Hà Nội), có con gái 8 tuổi, bé rất nhút nhát, chỉ biết khóc khi bị bạn bắt nạt. Theo cô Thắm, trẻ bị chọc ghẹo ở trường rất khó ngăn chặn, vì vậy cha mẹ cần chia sẻ với trẻ. Ví dụ, khi trẻ bị trêu chọc là "su mô, đồ 4 mắt..." hãy nói: "Tớ không thích bị gọi như thế" hoặc: "Không có ai là su mô cả, tớ là Thùy Anh". Rồi bỏ bạn hay trêu chọc lại, quay ra các trò chơi khác với các bạn khác.

Ở nhà cha mẹ trêu mà thấy trẻ không cười vui theo là có thể đã chạm vào vấn đề mà trẻ đang lo sợ. Cha mẹ hãy hỏi han, tìm hiểu, giúp đỡ trẻ. Không nên gọi hoặc đặt tên ở nhà dựa vào những khiếm khuyết của trẻ để tránh sự xấu hổ cho trẻ khi lớn, cũng không gọi tên ở nhà của trẻ ở nơi đông người. Dạy trẻ bỏ thói quen xấu như quẹt mũi, cắn móng tay, le lưỡi... vì dễ thành chủ đề bị trêu chọc. Nếu trẻ bị trêu chọc liên tục, bố mẹ và cô giáo cần giúp đỡ trẻ. Cha mẹ có thể gặp riêng trẻ đã trêu chọc con mình để khuyên nhủ, răn đe giúp bảo vệ con mình.

Một số cha mẹ dạy con nín nhịn khi bị bắt nạt là sai lầm, vì như thế sẽ làm trẻ dần mất tự tin, cố thu mình, ỉ lại, không tự xử lý được các tình huống. Cũng không nên dạy trẻ đánh lại bạn, bởi trẻ sẽ cho là chỉ vũ lực mới giải quyết mọi vấn đề. Nên dạy con nếu bị bắt nạt thì đừng nổi nóng, cũng chớ bỏ chạy và càng không tuân theo lời kẻ bắt nạt... Hãy dạy trẻ đi thành đôi hoặc đi theo nhóm bạn để cùng bảo vệ nhau.

Dạy trẻ không ăn đồ của người lạ

Cháu Nguyễn Anh Tuấn (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Kỳ Đồng, quận 3, TP HCM) đã thoát khỏi một vụ bắt cóc lúc đi vệ sinh ở trường. Hôm đó Tuấn xin cô giáo đi vệ sinh và gặp một người đàn ông cho kẹo cao su. Ăn xong cháu thấy lơ mơ... Khi tỉnh ra đã thấy ngồi sau xe người lạ đang chở đi. Cháu đã nhảy khỏi xe và chạy vào khách sạn có mấy chú bảo vệ nhờ giúp đỡ gọi cho người nhà.

Theo nhà tư vấn tâm lý Trung Kiên, ngày nay nhiều trẻ gái dậy thì sớm, đường nét cơ thể như thiếu nữ nên dễ bị "yêu râu xanh" dòm ngó. Nếu chờ con 16, 17 tuổi mới dạy cách giữ mình sẽ muộn. Vì thế, cha mẹ cần cung cấp kiến thức về tâm sinh lý tuổi dậy thì và những nguy cơ bị xâm hại cho trẻ.

Theo TS Ngọc Yến, Văn phòng Tư vấn trẻ em (Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh), trẻ từ 6 tuổi trở lên cha mẹ cần dạy con cách sử dụng điện thoại và các kỹ năng để con biết và tránh nguy cơ bị xâm hại. Chia sẻ  với con hiểu, không theo người lạ rủ rê đi đâu đó; Tránh xa những người hay vuốt ve, cho bánh kẹo, khen áo đẹp, tóc đẹp rồi dụ dỗ vào chỗ vắng hoặc vào phòng kín... Cha mẹ không nên cho trẻ gái mặc hớ hênh, nhất là các bé gái phổng phao để tránh kích thích kẻ bệnh hoạn. Hãy dạy con biết về giới tính, về cách yêu quý giữ gìn cơ thể mình, không cho bất kỳ ai (kể cả với người thân, hàng xóm, thầy cô...) tự ý động chạm đến cơ thể mình.

 

- Với trẻ: Nếu có người sàm sỡ, lôi kéo và ép làm việc gì đó: Trẻ hãy chạy đi chỗ khác hoặc kêu to... cố tránh xa ra rồi kể lại mọi chuyện với cha mẹ; Không nhận đồ, đồng ý đi chơi với người lạ. Không dễ dãi hay sợ hãi trước các lời đe dọa. Nếu gặp chuyện nguy hiểm, hay bị đe dọa... cần tìm người lớn giúp đỡ; Không tự ý ra khỏi cổng trường mà không có người lớn đi kèm. Nếu đi đâu cũng nên đi theo nhóm bạn.

- Với cha mẹ: Dạy trẻ nhận biết những hoàn cảnh không an toàn, tập tự nhận thức vấn đề, ứng phó nhanh (như bị lạc gọi điện về cho gia đình hoặc vào đồn công an, trường học nhờ giúp đỡ...). Luôn biết rõ con đang ở đâu, với ai, nơi trẻ chơi, người trẻ hay gặp; Dạy trẻ học thuộc số điện thoại khẩn cấp 113, 115 và điện thoại của cha mẹ, cô giáo.

Theo TS Ngọc Yến, Văn phòng Tư vấn trẻ em (Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh)

Trà Giang

Từ khoá: điện thoại nguyễn anh tuấn tình huống nguy hiểm mầm non an toàn bão

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . Tin tuc hot online, Tin nong trong ngay - Posts · Comments
Theme Designed by tintuchotonline