Trên các diễn đàn dành cho các bà mẹ, đôi khi người ta hỏi quá nhiều các câu hỏi "làm sao", "chọn lựa cách nào"… Và tôi nhớ đến lời nói của một chị bạn, bị lu mờ giữa biết bao nhiêu ý kiến hăng hái và dông dài. Chị bảo, "mẹ chỉ cần yêu con thôi, là đủ". Tôi cãi, "mẹ nào chả yêu con". Chị bảo, em cứ thả lỏng mình ra và nghĩ thật bình tâm, em sẽ nhận ra là mình chưa biết cách để cho con thấy rằng mình rất yêu con.
Yêu con, là không vội vàng phán xét
Nếu mỗi ngày chúng ta dành một giờ đồng hồ để ở bên con và tuyệt đối đừng đưa ra yêu cầu, nhận xét gì về con, hãy cứ để con thoải mái, tự nhiên với những gì con muốn, với những lời con nói, với những việc con làm, sẽ cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, cha mẹ sẽ hiểu về thiên hướng của con. Có những đứa trẻ rất vụng về trong ngôn ngữ, nhưng lại cực kỳ khéo tay. Ngược lại, có những đứa trẻ không khéo tay cũng chẳng phát triển về ngôn ngữ, nhưng lại có trí tưởng tượng cực kỳ sinh động, và nó thường trầm ngâm rất lâu trước khi để cho một ý tưởng bùng nổ. Việc chúng ta quá vội vàng trong nhận xét con mình, hoặc áp đặt mô hình của đứa trẻ khác lên con sẽ đánh mất đi sự yên lặng quý báu trong việc quan sát và hiểu về con.
Con gái tôi có khả năng ngôn ngữ khá tốt, cháu thuộc nhiều thơ, nói chuyện thì rất "ra vẻ" người lớn. Nhiều người đến công viên, thấy hai mẹ con tôi nói chuyện với nhau, họ xuýt xoa, ôi ước gì con/cháu họ được một phần thông minh như con tôi, ước gì biết nói chuyện chững chạc như con tôi. Có người còn bảo, con/cháu nhà họ dốt lắm, chẳng biết nói hay làm việc nọ việc kia. Tôi hoàn toàn không vui khi phải nghe những lời nói đó. Cho dù họ đang khen con tôi thì tôi cũng không vui. Đứa trẻ nào cũng có ưu/ nhược điểm. Con tôi nói chuyện giỏi nhưng lại rất kém về hình khối và tư duy không gian, cháu thường vẽ tranh không rõ ràng về bố cục, màu sắc cũng không được hài hòa như nhiều bạn khác ở lớp. Nghĩa là chúng ta nên lặng lẽ quan sát để suy nghĩ đến việc định hướng cho con sau này, chứ đừng áp đặt mô hình nào đó lên con. Càng không nên so sánh. Sẽ thế nào nếu những đứa trẻ bị chê ấy nghe được những lời chê bai mà ông bà/bố mẹ nói về mình.
Ngược lại, một số ông bố bà mẹ quá tự tin về con, coi con như một thiên tài, lại càng không tốt. Dù sao, thì việc im lặng quan sát con, chấp nhận cả những ưu, nhược điểm của con, vẫn là điều nên làm nhất. Và bắt buộc phải làm nếu chúng ta nếu muốn định hướng đúng đắn cho con cái mình.
Đừng coi con là một bản copy của người lớn
Không ít những bậc cha mẹ coi con trẻ là bản copy bé nhỏ của mình. Vậy nên, những gì người lớn cho là quan trọng, họ cũng ép trẻ phải nghe theo. Trẻ emn không phải là người lớn thu nhỏ, cái người lớn dùng được chưa chắc đã dùng được cho trẻ em. Nó cũng giống việc kê đơn thuốc, người lớnvà trẻ em không thể dùng chung một đơn, một liều lượng.
Cô bạn tôi mới sinh con được vài tháng và thường nhét hai tay con gái vào chun quần, kiểu như bó con lại vì bé suốt ngày mút tay. Tôi nói rằng, trẻ mút tay là tốt, đó là cách để tập luyện khả năng nhai, nuốt và là cách bé tự chơi với mình. Nhưng cô ấy khăng khăng là quá mất vệ sinh. Mỗi lần tôi đến thăm đều thấy đứa trẻ tội nghiệp đang bị mẹ "trói" bằng cách nhét hai tay nó vào cạp quần để không thể cho tay lên miệng. Hồi con tôi ở tuổi biết bò, gia đình tôi cũng suy nghĩ tương tự, không biết ai mách cho mà hai cụ của con tôi, vì có đứa chắt đầu tiên, cưng như cục vàng, bắt tôi phải giữ không được cho con bò ra sàn nhà, vì như thế rất bẩn lại dễ dàng trớ hết sữa ra ngoài. Dù tôi đã cố gắng giải thích rằng bò rất quan trọng với sự phát triển của trẻ nhưng không ai muốn nghe. Tôi buộc phải đóng cửa phòng riêng lại cho con tôi bò mà vẫn bị cụ gõ cửa hỏi xem "có giữ cho nó khỏi bò không đấy?". Tôi trầm ngâm, chỉ biết nói một câu rằng, nếu sau này đứa trẻ hay cáu gắt, cục cằn thì đừng hỏi vì sao. Nguyên nhân là nó đã bị bó buộc, chèn ép từ lúc bé.
Quan trọng nhất là cho con cảm nhận được tình thương yêu
Không ông bố, bà mẹ nào nói rằng họ không yêu con mình. Họ luôn nói con là tình yêu lớn nhất và sẵn sàng làm tất cả vì con. Biểu hiện ở chỗ từ bé đứa trẻ đã được bọc kín mít, được giữ cho khỏi trườn bò, được mẹ kỳ công ép một ngày 3 bát bột to. Lớn hơn, nó được nhốt trong nhà, được cho xem hoạt hình, TV, được chơi ipad – những thứ mà trẻ em nông thôn ngủ mơ cũng không có được, cho khỏi giao du với lũ bạn bè láo toét. Nhưng họ sẵn sàng mắng con ở nơi công cộng chỉ vì nó chạy nhảy quá nhanh. Sẵn sàng đánh con nếu con trót nghịch, phá, làm hỏng đồ dùng. Sẵn sàng giơ tay dọa tát vào mồm con nếu con bị ép ăn quá mức mà sặc trớ.
Đó là tình yêu sở hữu, cầm tù. Sống trong những kiểu tình yêu như vậy mới là nguyên nhân khiến đứa trẻ càng lớn càng không biết cách thông cảm cho người khác, không biết cách bày tỏ tình yêu cùng cha mẹ, và chỉ luôn muốn nói dối cha mẹ, để cha mẹ đừng tham gia vào công việc của mình.
Bài: Hương Ngân
Xem thêm: Học cách dạy con của người Do Thái
0 nhận xét:
Đăng nhận xét