Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Besra Việt Nam, từ kỳ vọng đến thất vọng

Mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) được cho là có trữ lượng lớn nhất Việt Nam, vào năm năm 1997 Besra Việt Nam được quyền khai thác mỏ này, còn tại Phước Sơn được cấp phép vào năm 1999. Những tưởng rằng với sự đầu tư quy mô và máy móc hiện đại, Besra Việt Nam sẽ làm ăn hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc đóng thuế cũng như giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. Thế nhưng mới đây đơn vị này tuyên bố đóng cửa hai mỏ vàng khiến hơn 1.000 lao động mất việc làm và còn tồn nợ tiền thuế lên đến gần 300 tỉ đã trở thành nỗi thất vọng của chính quyền địa phương và người lao động.

Besra Việt Nam, từ kỳ vọng đến thất vọng - 2014_219_5_a1.jpg
Những công nhân của Besra Việt Nam giờ đây thất nghiệp
do nhà máy đóng cửa

Sự kỳ vọng

Nói về quyền sở hữu, Besra có đến 80% cổ phiếu của mỏ Bồng Miêu và 85% cổ phiếu của Phước Sơn trong tổng vốn đầu tư 40 triệu USD. Besra cho biết: Tính đến tháng 2-2013, Besra đã nộp ngân sách Nhà nước 731 tỷ đồng. Cục Thuế Quảng Nam cũng xác nhận, đơn vị này đã nộp vào ngân sách là hơn 650 tỷ đồng, sau khi đưa ra nước ngoài tiêu thụ hơn 4,430 tấn vàng thành phẩm.

Sự kỳ vọng còn tăng lên bởi vì mỏ vàng Phước Sơn công suất 1.000 tấn quặng/ngày, tỉ lệ thu hồi vàng là 92-95%. Mỏ vàng Bồng Miêu 500 tấn quặng/ngày, tỉ lệ thu hồi vàng là 88%. Riêng tại mỏ vàng Phước Đức theo giấy phép thăm dò, trữ lượng vàng tại mỏ này lên đến 7.000 tấn. Còn về máy móc, ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra khẳng định: "Nhà máy tuyển luyện vàng ở Phước Sơn và Bồng Miêu là những nhà máy tiên tiến nhất Đông Nam Á, với công nghệ khai thác và tuyển luyện vàng đẳng cấp thế giới". Ngoài việc giải quyết trên 1.600 lao động chủ yếu là người địa phương, đơn vị cùng đã có hơn 45 tỷ đồng (2,3 triệu USD) làm công tác an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng từ xây dựng đường sá đến hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch, xây dựng phòng học, hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo, chương trình chăm sóc sức khỏe và các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Cùng với đó các nhà thầu, nhà cung cấp địa phương cũng có điều kiện kết nối xây dựng nhiều hạng mục công trình, cung ứng các dịch vụ và họ đã nhận từ đơn vị này lên đến gần 3.300 tỷ đồng.

Cuối tháng 4-2014, Bộ Tài chính hủy quyết định truy thu thuế xuất khẩu vàng với tổng trị giá 12 triệu USD (hơn 250 tỷ đồng) đối với Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Thế nhưng sự kỳ vọng đã không còn khi đơn vị này tuyên bố đóng cửa cả hai mỏ vàng.

Thất vọng!

Chính quyền địa phương và người lao động đã rất thất vọng khi đơn vị này trở thành "con nợ Chúa Chổm". Như ĐĐK đã phản ánh, tính đến tháng 6-2014, tổng số nợ thuế (bao gồm cả khoản phạt nộp chậm thuế) của Công ty vàng Phước Sơn khoảng 230 tỷ đồng, còn Công ty vàng Bồng Miêu khoảng 55 tỷ đồng. Không dừng lại đó, hai doanh nghiệp này còn nợ hàng trăm tỷ đồng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Quảng Nam và nợ hàng tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thì riêng tại huyện tính đến nay Công ty vàng Phước Sơn nợ 182 tỷ đồng.

Có thời điểm hàng trăm người kéo đến nhà máy vàng Phước Sơn đòi nợ. Trong số đó có ông Đỗ Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức xin tạm nghỉ việc để đi đòi hơn 17 tỷ đồng mà doanh nghiệp vàng Phước Sơn nợ doanh nghiệp gia đình ông. Còn ông Đặng Văn Chương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho rằng, Công ty vàng Phước Sơn đã làm cho tổ chức Công đoàn tại Công ty tê liệt, số tiền phí đến nay đã 1 tỷ đồng nhưng không đóng. Liên đoàn Lao động huyện Phước Sơn đã có văn bản kiện Công ty vàng Phước Sơn ra TAND huyện về việc không đóng đoàn phí, không nộp kinh phí theo quy định và nợ BHXH của người lao động hơn 20 tỷ đồng. Bà Thái Thị Thu Nguyệt, Giám đốc BHXH quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết, tính đến tháng 7-2014, Công ty vàng Bồng Miêu nợ 3,7 tỷ đồng, Công ty vàng Phước Sơn nợ 5,5 tỷ đồng tiền BHXH.

Dẫn đến tình trạng trên, Besra cho rằng đã đầu tư lớn về thiết bị máy móc, thăm dò, phát triển hầm lò trước khi thu được sản phẩm cuối cùng nhưng hàm lượng vàng làm ra không ổn định, do thiên tai như bão lũ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đơn vị. Với nhiều lý do, Tập đoàn Besra đã đưa ra và xin miễn thuế cũ chỉ đồng ý nộp thuế mới nhưng đã vấp phải nhiều chỉ trích của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Trước tình hình trên, ngày 4-8, Cục Thuế Quảng Nam làm việc với đại diện hai doanh nghiệp nói trên, nhưng theo ông Lê Mai Khắc Hưng, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam là vẫn chưa đi đến thống nhất dừng cưỡng chế thuế. Cục Thuế Quảng Nam tiếp tục báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Thuế để xin ý kiến.

Không biết rồi đây đơn vị này có tái hoạt động tại 2 mỏ vàng hay không, nhưng hiện nay trên 1.000 lao động đang mất việc làm, ngoài việc chưa biết làm gì để có thu nhập lo cho cuộc sống và đang lo không biết quyền lợi của mình sẽ được giải quyết tới đâu; trong khi đó tình trạng nạn vàng tặc đã bắt đầu tấn công các khu vực mỏ này. Ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết đã có một bộ phận người dân quay lại khai thác trái phép khiến tình hình ANTT phức tạp thêm.

TẤN THÀNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . Tin tuc hot online, Tin nong trong ngay - Posts · Comments
Theme Designed by tintuchotonline