(Kienthuc.net.vn) - Không ít các bậc phụ huynh lo ngại và thắc mắc về việc dùng kem chống nắng cho trẻ.
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (57 Láng Hạ, Hà Nội) luôn quán triệt việc cho cậu con trai 9 tháng tuổi phơi nắng sớm cho khỏi còi xương. Chị đi làm, thường nhắc ông bà mang cháu xuống nhà phơi nắng khoảng từ 8h30 - 9h sáng. Tuy nhiên, vào những ngày nắng gắt thì mới 8h sáng, sân nhà đã nắng chói chang, thấy nhà có lọ kem chống nắng, mẹ chị thường lấy bôi cho cháu rồi mới ra sân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì cách làm này không giúp mang lại hiệu quả gì, bởi kem chống nắng cho trẻ không thể bôi tùy tiện loại nào cũng được và bôi kem cũng cần thời gian đủ ngấm trước khi cho trẻ ra nắng...
ThS.BS Nguyễn Thị Thảo, Phòng khám Da liễu Beauty Clinic cho biết, da trẻ nhỏ khá non nớt, ít có khả năng nội sinh tự bảo vệ chống lại tác hại của tia cực tím do lớp sừng thượng bì còn rất mỏng manh. Tỷ lệ diện tích bề mặt da so với khối lượng cơ thể cao hơn người lớn, vì thế sự nhạy cảm hấp thụ ánh nắng qua da cũng lớn hơn, khiến da dễ bị tổn thương hơn. Không ít trường hợp trẻ bị bỏng nắng, dẫn đến những tổn thương da đáng tiếc. Vì thế, chuyện bảo vệ làn da mỏng manh của trẻ khỏi ánh nắng mặt trời là điều cần thiết và việc sử dụng kem chống nắng cho trẻ là điều nên làm. Tuy nhiên, trong sử dụng kem chống nắng cho trẻ, nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm khi lấy kem chống nắng của người lớn để bôi cho trẻ nhỏ.
"Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, vì vậy, quan điểm cho rằng kem chống nắng nào cũng là kem chống nắng, chỉ cần bôi cho trẻ ít đi cũng được là hoàn toàn sai lầm. Vì cấu trúc da của trẻ khá mỏng manh, dễ bị kích ứng, bị ảnh hưởng bởi các thành phần có trong kem chống nắng dành cho người lớn. Đặc biệt, đối với trẻ quá nhỏ, dưới 6 tháng tuổi, nhất thiết phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định cho trẻ dùng loại kem chống nắng nào", ThS.BS Nguyễn Thị Thảo nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, nếu muốn cho trẻ phơi nắng, tốt nhất nên chọn thời điểm nắng ban mai, trước 8h, để nắng không quá chói. Và thời điểm đó thì cũng không cần dùng kem chống nắng, mà nên đội mũ để bảo vệ đầu và mắt trẻ, tránh tác hại của tia cực tím. Thời gian tắm nắng chỉ nên khoảng 10 - 20 phút, ngắt quãng bằng cách bế trẻ ra nắng một chút rồi cho vào chỗ mát nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục cho ra chỗ có ánh nắng.
Nếu muốn cho trẻ phơi nắng, tốt nhất nên chọn thời điểm nắng ban mai, trước 8h.
Kín, ít ra đường
Viện Hàn lâm Nhi khoa và Da liễu nước Mỹ đã xác nhận tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ kỹ lưỡng da trẻ em chống lại bức xạ của tia cực tím gây ra. Theo đó, cha mẹ hay người chăm sóc nên hạn chế cho trẻ ra ngoài vào thời gian từ 10 - 16h, bởi đây là giờ các tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có cường độ hoạt động lớn nhất, dễ gây ảnh hưởng đến làn da non nớt của trẻ. Khi ra ngoài, ngoài việc bôi kem chống nắng thì vấn đề quan trọng hơn cần chú ý là đội mũ nón, đeo kính và mặc áo quần che kín cho trẻ.
Nên chọn loại trang phục có chất liệu cotton thoáng mát, hoặc vải sợi dầy sẽ giúp bảo vệ da tốt hơn. Không nên chủ quan khi chỉ đi gần hoặc ra ngoài một tí là về ngay mà "quên" che nắng cho con. Một mẹo nhỏ để "thăm dò" phản ứng của da là mẹ có thể sờ lên da trẻ. Hoặc tự cảm nhận nếu thấy da ấm, nóng ran đó là lúc cần đưa trẻ vào trong bóng râm ngay, tránh để xảy ra tình trạng có thể bị bỏng da, say nắng.
Trong trường hợp cần bôi kem chống nắng cho trẻ, tốt nhất nên chọn loại kem phù hợp với độ tuổi, có chỉ số chống nắng SPF khoảng từ 15 - 30. Các loại kem có chữ "broad-spectrum" (phổ rộng) sẽ giúp ngăn nhiều loại tia độc hại. Bạn cũng nên chú ý tìm loại không mùi và không gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của trẻ. Nên bôi một lớp mỏng trên da trẻ 30 phút trước khi ra ngoài, bôi lại sau 2 tiếng.
Khi bôi kem chống nắng cho trẻ cần lưu ý: Kem dạng đặc có thể bôi toàn thân và vùng mặt; kem dạng xịt chỉ dùng toàn thân. Nếu muốn dùng kem dạng xịt cho vùng mặt trẻ thì mẹ phải xịt ra tay rồi mới bôi lên cho trẻ.
ThS.BS Nguyễn Thị Thảo
Đức Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét