Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Hiểm họa trong "sữa mẹ online"

SGTT.VN - Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Câu này nghe quen quen, trong các quảng cáo về sản phẩm sữa trên truyền hình. Mà cũng đúng là thế, bởi có hàng núi công trình nghiên cứu cùng kết luận chung này. Không chỉ vì sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng theo một tỷ lệ thích hợp mà nó còn cung cấp khả năng bảo vệ tự nhiên chống lại bệnh tật.

Với các bà mẹ nhận con nuôi, hay từng trải phẫu thuật vú trị bệnh hoặc cơ địa không sản xuất đủ sữa thì kiếm nguồn sữa mẹ từ đâu? Từ các nguồn hiến tặng hoặc mua bán. Hiện có rất nhiều website, diễn đàn có chủ đề chính là "chia sẻ sữa". "Con gái tôi hai tháng tuổi, cháu tăng cân và chiều cao rất chậm, mẹ nào dư sữa xin san sẻ với tôi, gọi điện tới..." là mẫu phổ biến trên các diễn đàn này. Cũng có những quảng cáo tự nguyện hiến sữa hay bán sữa nữa.

64% mẫu sữa từ website nhiễm khuẩn staphylococcus, 36% nhiễm khuẩn streptococci, đây là những loại khuẩn có thể không gây tác hại nếu tỉ lệ nhiễm ở mức thấp nhưng nguy hiểm nếu ở mức cao. 

Rachel Holtzman, 31 tuổi sống ở khu Brooklyn (New York, Mỹ) là người đã qua phẫu thuật vú và không còn khả năng tiết sữa nữa. Sau khi sinh bé Levi, cô đã chọn cộng đồng "chia sẻ sữa" gần nhà tìm nguồn sữa cho bé. "Đầu tiên tôi khá lo lắng là không biết những người tặng sữa có khỏe mạnh hay không. Đến giờ, tôi đã nhận sữa từ khoảng 30 bà mẹ và không hề có vấn đề gì hết. Levi vẫn khỏe mạnh sau 4 tháng rưỡi tuổi nhờ sữa từ cộng đồng".

Một nguồn sữa nữa cho các bà mẹ hiếm sữa là các ngân hàng sữa mẹ, nơi bảo quản và bán sữa mẹ từ những người hiến tặng sữa. Có 13 ngân hàng như thế ở Mỹ và Canada hoạt động dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội ngân hàng sữa người Bắc Mỹ, đảm bảo những người hiến tặng sữa đều qua kiểm tra y tế và sữa được tiệt trùng hoàn toàn.

Nhưng tiếp cận nguồn sữa ngân hàng này hơi khó. Ưu tiên hàng đầu của ngân hàng sữa là cho những trẻ sinh non, trẻ có những bệnh lý phức tạp. Sữa chỉ được chuyển ra ngân hàng sau khi được kê toa. Và giá sữa ở ngân hàng cũng khá đắt, mỗi lít là 200 USD. Mỗi đứa trẻ 1 tháng tuổi cần trung bình 0,7 lít sữa mỗi ngày. Cũng phải thông cảm cho các ngân hàng, họ chỉ có 64.500 lít sữa mẹ để phân phối mỗi năm trong khi nhu cầu của xã hội là 270.000 lít.

Vì lẽ đó, kiếm sữa trên các mạng xã hội, diễn đàn dễ hơn. Năm 2011, có hơn 13.000 lượt post đề nghị xin, mua sữa trên 4 website "chia sẻ sữa" hàng đầu như onlythebreast.com, eatonfeets.org, số liệu theo Sarah Keim, tiến sĩ nhi khoa ở bang Ohio. Trong các giao dịch mua bán, cho tặng này, người mua phải tin cậy vào người bán. Và nghiên cứu mới đây cho thấy đó có thể là một sự mạo hiểm.

Tiến sĩ Keim và cộng sự thu thập 101 mẫu từ nguồn website "chia sẻ sữa", ghi lại lời xác nhận của những người bán về tình trạng sức khỏe của họ, phương pháp họ lấy sữa ra và trữ sữa. Các nhà nghiên cứu phân tích vi khuẩn trong mẫu sữa, và so sánh với sữa mẹ tiệt trùng từ các ngân hàng sữa.

Kết quả cho thấy, 64% mẫu từ website nhiễm khuẩn staphylococcus, 36% nhiễm khuẩn streptococci, đây là những loại khuẩn có thể không gây tác hại nếu tỉ lệ nhiễm ở mức thấp nhưng nguy hiểm nếu ở mức cao. Gần 3/4 nhiễm các loại khuẩn khác. Đặc biệt, có 3 mẫu chứa khuẩn salmonella có thể gây tử vong. 74% mẫu sữa không đạt tiêu chuẩn của ngân hàng sữa.

Dẫu quá trình tiệt trùng phá hủy một số chất có lợi trong sữa mẹ nhưng sữa trong các ngân hàng sữa mẹ vẫn an toàn hơn rất nhiều sữa trên mạng. Kim Updegrove, chủ tịch hiệp hội ngân hàng sữa nhấn mạnh: "Nếu bạn lấy sữa từ nguồn không được kiểm nghiệm, bạn đặt con bạn dưới sự nguy hiểm. Tôi rất ngại khi phải nói điều này với những người phụ nữ giao dịch sữa qua mạng bởi họ đang cố gắng làm những điều tốt đẹp. Song rõ ràng họ đang chơi trò may rủi".

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm liên bang Mỹ không có quy định, áp đặt, chế tài gì về việc mua bán sữa mẹ nhưng họ không khuyến khích việc mua bán này này cả qua mạng lẫn trực tiếp. Chỉ có 3 bang ở Mỹ là California, Maryland, New York quy định một số hoạt động của ngân hàng sữa.

Tiến sĩ Keim cho rằng người mua không cách nào biết họ sẽ nhận được sữa gì khi mua bán qua mạng. "Họ liệu biết về sức khỏe, thân nhiệt của người bán? Tình trạng của đồ chứa sữa? Mất bao lâu sữa được chuyển đến? Họ thậm chí còn không biết đó có phải là sữa người hay là sữa bò hoặc sữa bột nữa".

Từ khoá: sức khỏe bão ngân hàng mạng xã hội mua bán nguy hiểm nghiên cứu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . Tin tuc hot online, Tin nong trong ngay - Posts · Comments
Theme Designed by tintuchotonline