Nợ BHXH tính đến ngày 30/4/2014 là 9.150,7 tỷ đồng. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Cụ thể theo BHXH Việt Nam, số nợ đọng bảo hiểm xã hội, BHYT tính đến ngày 30/4/2014 là 12.451,5 tỷ đồng, tăng 1.263,9 tỷ đồng so với số nợ tại thời điểm 31/3/2014.
Nhức nhối tình trạng nợ và trốn đóng BHXH
Trong tổng số nợ trên, nợ BHXH là 9.150,7 tỷ đồng, tăng 1.140,6 tỷ đồng, riêng nợ BHXH từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4.371,4 tỷ đồng...
Nợ BHYT (BHYT) là 3.300,8 tỷ đồng (trong đó ngân sách các địa phương nợ 1.984,4 tỷ đồng, chiếm 60,1% tổng số nợ BHYT), tăng 123,3 tỷ đồng...
10 địa phương tỷ lệ nợ so với số phải thu cao là: Bình Thuận 10,7%; Bình Định 10,4%; Lâm Đồng 10,2%; Bình Phước 10%; Cà Mau 9,9%; Hòa Bình 9,8%; Đắk Nông 9,6%; Quảng Trị 9,2%; Thanh Hóa 9,2% và Ninh Thuận 9,1%.
Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng nợ BHXH tăng cao trong thời gian qua là do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bị khởi kiện ra tòa phải thi hành án nhưng không chịu thi hành án, khất lần không chịu nộp tiền.
"Ngoài việc nợ đóng BHXH thì việc trốn đóng BHXH cũng là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động. Hiện nay, có trên 500.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng chỉ có 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động và cũng chỉ có 50% số doanh nghiệp đang hoạt động tham gia đóng BHXH. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dù làm ăn tốt nhưng cố tình trốn đóng BHXH", một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết.
Đẩy mạnh công tác thu hồi nợ
Để tăng cường công tác thu BHXH, BHYT và giảm nợ đọng BHXH, BHYT, cơ quan BHXH đề nghị các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành như Tài chính, Y tế, Thuế, Thanh tra, Công an, Liên đoàn lao động tỉnh... nắm chắc số đơn vị, số người thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo quy đinh của Luật và thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, giám sát đôn đốc thu hồi nợ và kiên quyết xử phạt những đơn vị chậm đóng, đóng thiếu và trốn đóng BHXH, BHYT.
Đặc biệt, để khắc phục tình trạng nợ đọng kéo dài, BHXH tỉnh cần đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường quản lý công tác thu, xử lý thu hồi nợ đọng BHXH. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, cán bộ chuyên quản phải trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc, đối chiếu số thu và lập biên bản đối chiếu thu nộp. Trường hợp các đơn vị nợ đọng kéo dài, cần xử phạt vi phạm hành chính, nếu vẫn cố tình chây ỳ không đóng BHXH, BHYT, thì BHXH phải khởi kiện ra tòa án dân sự tại địa phương.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị cần có hình thức khen thưởng với các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với các tập thể, cá nhân không thực hiện đúng nhiệm vụ thu, thu đạt tỷ lệ thấp, nợ đọng lớn.Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét