Một nghịch lý vẫn luôn tồn tại kể từ khi tấm thẻ BHYT chính thức được ra đời (năm 1992) đến nay. Đó là việc chuyển viện từ nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu lên tuyến trên vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể. Điều này đã dẫn đến những cái chết bi thảm của không ít người bệnh.
Trẻ em, phụ nữ chết oan uổng
Thời gian gần đây, dư luận đã rất bức xúc vụ hai bệnh nhân (BN) tử vong vì không được chuyển viện lên tuyến trên kịp thời. Đó là trường hợp bé Nguyễn Thanh Trúc (SN 2012, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, Thanh Hóa).
Ngày 2.9.2013, bé Trúc được đưa đến Khoa Cấp cứu, BV huyện Nông Cống trong tình trạng sốt cao, các bác sĩ (BS) chẩn đoán viêm amidan và giữ lại điều trị. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị tại đây, bé Trúc vẫn sốt cao, gia đình đã đề nghị chuyển tuyến, nhưng không được chấp nhận.
Đêm 4.9, bé có biểu hiện nguy kịch, môi tím tái, khó thở gia đình tiếp tục yêu cầu chuyển viện, đến 1h40 sáng 5.9, bé Trúc mới được đưa đến BV Nhi Thanh Hóa, nhưng chỉ 10 phút sau bé tử vong.
Quá bức xúc vì cho rằng BV Đa khoa huyện Nông Cống cố giữ bé ở lại nên mới xảy ra cái chết tức tưởi, sáng 5.9, hàng trăm người nhà gia đình nạn nhân đã bao vây đập phá BV.
Vào ngày 21.10.2013, chị Lê Thị Hoa (30 tuổi) đau đầu, sốt cao vào BV TP.Huế cấp cứu. Tại đây, các BS chẩn đoán chị Hoa bị sốt xuất huyết nên tiến hành điều trị. Đến trưa 23.10, chị Hoa xuất huyết âm đạo, chảy máu chân răng, chảy máu hậu môn, ho ra máu..., gia đình xin chuyển viện nhưng bị BS từ chối.
Chiều 24.10, thấy bụng chị Hoa phình to, tình trạng nguy kịch hơn, gia đình lại tha thiết xin chuyển viện, nhưng vẫn bị BS từ chối. Mãi đến sáng 25.10, sau khi siêu âm, thấy tính mạng của chị Hoa nguy kịch, BV TP.Huế mới cho người nhà chuyển bệnh nhân (BN) đến cấp cứu tại BV Trung ương Huế.
Các BS tại đây cho biết tình trạng của chị Hoa quá xấu, suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng máu, hôn mê sâu, tính mạng nguy kịch.
Đến chiều 31.10, chị Hoa tử vong. Cái chết của BN Hoa khiến người nhà rất bức xúc. Họ cho rằng do BV TP.Huế bất chấp nguyện vọng của người nhà, cố giữ BN, đến khi nguy kịch mới cho chuyển thì đã quá muộn.
Suýt bị cắt cụt chân, mất mạng
Theo phản ánh của người nhà BN Vũ Minh Tý (66 tuổi, xã Hoằng Xuân, Hoằng Hóa, Thanh Hóa): Ngày 4.2.2014, BN Tý vào cấp cứu tại BV huyện Hoằng Hóa trong tình trạng bị hoại tử phần ngón chân. Sau khi thăm khám, các BS đã cắt bỏ một ngón chân bị hoại tử nhưng sau 20 ngày điều trị, vết thương vẫn không hề thuyên giảm. Các BS đã đề nghị gia đình viết giấy cam kết đồng ý cho BV cắt bỏ hoàn toàn chân lên đến tận đùi của BN thì mới chữa khỏi bệnh.
Gia đình BN Tý rất hoang mang nên nhiều lần làm đơn xin chuyển lên tuyến trên, nhưng các BS không cho chuyển viện với lý do họ có khả năng cắt bỏ chân và chữa được bệnh. Không còn cách nào khác, với mong muốn cứu chân cho BN nên gia đình đã tự ý đưa BN Tý lên BV Nội tiết T.Ư mà không cần giấy chuyển viện.
Sau 3 ngày được chuyển lên điều trị tại BV Nội tiết, chân của BN Tý đã có chuyển biến tốt, vết thương khô và chỉ cần phẫu thuật ở khớp bàn chân chứ không đến mức cắt bỏ hẳn chân như lời "phán" của BS tuyến dưới.
Trường hợp BN Vũ Thị Thu (Hà Nam) bị chứng sốt, đau nhức xương cũng tương tự. Khi đi khám BV tuyến tỉnh thì được chẩn đoán bị suy kiệt sức khỏe, dịch ngoài màng tim. Sau một thời gian dài điều trị ở tỉnh không thuyên giảm, gia đình phải đi vay nóng 20 triệu đồng để đưa BN lên BV Bạch Mai thì được chẩn đoán bị chứng xơ cứng bì. Sau 2 tuần điều trị ở đây, bệnh của chị đã thuyên giảm.
"Rất may chị Thu đã vượt tuyến kịp thời. Bởi với bệnh xơ cứng bì nếu không được điều trị đúng bệnh, nhanh chóng thì rất dễ có biến chứng như hoại tử chi, khớp cứng không vận động được, người bệnh có thể bị viêm dạ dày, suy thận, biến chứng xơ phổi, xơ hóa cơ tim, rối loạn tim, dẫn đến suy tim gây tử vong", bác sĩ Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết.
Bệnh nhân BHYT bị "trói" đến bao giờ?
Cho đến nay, chưa có con số thống kê hay điều tra nào của ngành y tế về những BN tử vong hay bệnh nặng bởi không được chuyển tuyến kịp thời. Trên thực tế đã có không ít trường hợp BN bị "trói" khi vào khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế. Mặc dù các BV tuyến dưới không đủ điều kiện để chữa trị bệnh, song khi BN đề nghị được cho chuyển tuyến thì BV tuyến dưới tìm đủ mọi lý do để giữ chân BN ở lại và khăng khăng rằng BV có đủ năng lực để chữa chạy. Chỉ đến khi người bệnh nguy kịch thì BV tuyến dưới mới vội vàng gọi xe cấp cứu cho chuyển tuyến, song đã quá muộn hoặc người bệnh phải mất thêm thời gian dài để điều trị vì bệnh quá nặng.
Mấu chốt của vấn đề ở đây là do cơ chế thanh toán chi phí KCB của BHXH hiện rất "oái ăm". Một lãnh đạo BV cho biết, theo quy định, các chi phí cho những BN chuyển tuyến điều trị, cơ sở KCB cho BN chuyển vẫn phải chịu mọi chi phí của người bệnh ở tuyến khác mà không thể biết chi phí đó là bao nhiêu.
Chỉ đến hết năm, khi thanh quyết toán mới biết những chi phí cho người bệnh chuyển tuyến vượt quá cao, trong khi số tiền mà BHYT thanh toán lại rất khiêm tốn và phải chờ nhiều tháng sau BHYT mới cấp bù. Vậy là người bệnh bị đẩy vào thế kẹt khi cơ quan BHXH lo vỡ quỹ, cơ sở KCB thì lo không thanh toán được BHYT.
Sự co kéo này đã làm người bệnh có thẻ BHYT khốn đốn và nhiều người chấp nhận vượt tuyến mất tiền mà không trông chờ vào tờ giấy chuyển viện
Gửi câu hỏi
Lan Anh (Theo Báo Đất Việt)
Từ khoá: gia đình bão thanh toán gia chi phí người bệnh khám chữa bệnh nguy kịch tử vong bệnh nhân