Hạ thuỷ tàu 53.000 tấn tại Cty đóng tàu Hạ Long - đơn vị của Vinashin. Ảnh: Trần Ngọc Duy
Đến nay, Vinashin đã chính thức được "xóa tên" cũ, và thay bằng một cái tên mới: Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Đây là doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin. Hàng loạt câu hỏi mà dư luận quan tâm đang cần trả lời: Số phận hàng trăm doanh nghiệp con của Vinashin sẽ ra sao? Hàng vạn lao động của Vinashin sẽ như thế nào? Làm sao trả được món nợ khổng lồ của Vinashin?
Tái cơ cấu cho... nhỏ
Theo quyết định của Bộ GTVT, SBIC sẽ hoạt động theo mô hình một Cty mẹ và 8 Cty con (gồm các DN đóng tàu chủ lực của Vinashin trước đây, chiếm 70% năng lực đóng tàu của cả nước) với quy mô vốn điều lệ là 9.520 tỉ đồng. Ngành, nghề kinh doanh chính của SBIC là đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi, sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi, tư vấn, thiết kế tàu thủy và phương tiện nổi, tái chế, phá dỡ tàu cũ. SBIC còn được phép hoạt động trong các ngành kinh doanh khai thác cảng biển, cảng nội địa, bến tàu, cầu tàu, lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, sà lan, phương tiện nổi, xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu, sản xuất chế tạo kết cấu thép, các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy...
Với quy mô nhỏ hơn, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính liên quan tới đóng tàu, hoạt động của SBIC sẽ bớt dàn trải hơn. Theo đó, sẽ giảm được áp lực nợ nần, quản trị, tạo điều kiện tập trung các nguồn lực về con người, công nghệ, thiết bị... Do đó, có thể hy vọng SBIC có thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Trả lời câu hỏi về việc xử lý như thế nào đối với các DN của Vinashin trong diện phải tái cấu trúc, ông Vũ Chiến Thắng - Vụ trưởng vụ Quản lý DN, Bộ GTVT - cho biết: Đối với 236 DN không giữ lại, TCty tiếp tục rà soát, đánh giá, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tài sản để tái cơ cấu một cách thận trọng và hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa thất thoát. Theo đó, sẽ phấn đấu đến năm 2015 cơ bản thực hiện xong việc tái cơ cấu Vinashin. Đối với 70 DN còn vốn chủ sở hữu của Vinashin thì thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng để thu hồi vốn đã đầu tư. Đối với 166 DN không còn vốn chủ sở hữu thì thực hiện giải thể, phá sản theo thực trạng tài chính của DN hoặc bán theo quy định của pháp luật.
Hàng vạn lao động về đâu?
Tại thời "đỉnh cao" vào năm 2009, Vinashin đã từng có tới 70.000 lao động, gồm cả lao động thời vụ. Trước những diễn biến khó khăn của Vinashin, từ năm 2010, số lao động thời vụ đã chủ động nghỉ, chuyển việc. Do đó số lao động của Vinashin trước khi thực hiện tái cơ cấu chỉ còn khoảng 53.000 người. Được biết, khi thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ chuyển giao một số DN, dự án về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và TCty Hàng hải Việt Nam, lao động bình quân năm 2010 là 46.532 người, và năm 2011 chỉ còn là 36.402 người.
cắt giảm lao động là bài toán khó giải đối với Vinashin. Ảnh: Giang Huy |
Đến ngày 31.12.2012, tổng số lao động của Vinashin còn khoảng 28.500 người, trong đó có khoảng 74,3% số lao động có việc làm. Còn tại thời điểm 31.8.2013, Vinashin chỉ còn 25.306 người, trong đó số lao động có việc làm là 17.367 người, chiếm 68,63%.
Còn theo thông tin từ phía lãnh đạo Vinashin, tính đến thời điểm 31.7.2013, số lao động của tập đoàn còn lại 26.242 người. Trong đó có hơn 8.000 người (chiếm 30%) không có việc làm. Để giải quyết vấn đề này, Vinashin đã xây dựng phương án tái cơ cấu lao động và chỉ giữ lại khoảng 8.000 người, cắt giảm và giải quyết chế độ cho gần 14.000 người theo 2 giai đoạn, trong đó, sẽ cắt giảm ngay 8.000 người không có việc làm, sau đó tiếp tục cắt giảm cùng quá trình tái cơ cấu DN. Tuy nhiên, ngay cả việc cắt giảm lao động không có việc làm cũng không đơn giản, bởi các đơn vị của tập đoàn không có tiền để nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, nên không thể chi trả tiền lương còn nợ và chốt sổ BHXH trả cho lao động trước khi nghỉ việc.
Còn theo Vụ Quản lý DN của Bộ GTVT thì trong quá trình tái cơ cấu DN, Vinashin và các DN thành viên đã chủ động giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Theo đó, Vinashin đã căn cứ vào Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20.8.2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, và quy định của Bộ luật Lao động để giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động. Trong trường hợp các DN chưa có nguồn để chi trả cho người lao động, Vinashin tạm thời được sử dụng số vốn sản xuất kinh doanh để trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm theo lộ trình cắt giảm lao động. Trên cơ sở thực tế chi trả trợ cấp cho người lao động thuộc tập đoàn, được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, Bộ Tài chính thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp từ quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, đồng thời quyết toán cho tập đoàn theo quy định. Sau này, Vinashin sẽ sử dụng nguồn thu trong quá trình tái cơ cấu DN để hoàn trả Chính phủ.
Chủ tịch Công đoàn TCty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Trần Bá Thành: "Quyền lợi của người lao động phải được đặt lên hàng đầu". Việc cắt giảm LĐ ở Vinashin có lộ trình rõ ràng chứ không vì mục tiêu tái cơ cấu mà đẩy NLĐ ra ngoài xã hội. Hiện nay, thị trường vận tải vẫn chưa hồi phục, do vậy ngành đóng tàu vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn tới đời sống việc làm của NLĐ cũng gặp khó khăn. Bộ GTVT đã chỉ đạo TCty tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn vì đây là khó khăn bất khả kháng, các hợp đồng ký kết mới chưa đáng kể, những hợp đồng đã ký đang thực hiện thì không đủ việc làm cho NLĐ, do vậy phải nghỉ việc luân phiên hoặc chờ việc và bị ràng buộc trong công việc. Do vậy, chúng tôi phải tái cơ cấu cả lực lượng LĐ, để đảm bảo lực lượng LĐ phù hợp. Tuy nhiên, không phải tất cả LĐ bị cắt giảm và khi cắt giảm LĐ quyền lợi của họ luôn được đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật LĐ. Chúng tôi đã được CĐ ngành GTVT và Tổng LĐLĐVN hỗ trợ cùng đề nghị Bộ GTVT đưa ra các lộ trình nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ như: Trợ cấp thôi việc, mất việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi... Do vậy NLĐ hoàn toàn yên tâm về các quyền lợi và chế độ của mình. Hiện chỉ còn vấn đề thanh toán BHXH, BHYT cho NLĐ vì còn đang vướng cơ chế. Đóng tàu vẫn là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, do vậy lực lượng CNLĐ vẫn là chủ lực. Với những khó khăn trước mắt, BCH CĐ đã chỉ đạo các CĐCS phối hợp cùng LĐLĐ các địa phương và trung tâm giới thiệu việc làm giúp đỡ NLĐ tìm việc làm mới trong lúc khó khăn. Đồng thời, phối hợp với cơ quan BHXH giám sát thực hiện quá trình chi trả quyền lợi của họ đúng, đủ đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho họ. Đặng Tiến ghi |
Bài 2: Trả món nợ của Vinashin bằng cách nào?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét