(Thị trường) - Giống cao su Trung Quốc đang được trồng ở Lai Châu. Nông dân ở đây đang lĩnh 3-4 triệu tiền lương hàng tháng dù cao su chưa cho mủ.
Lai Châu nằm ở trung tâm Tây Bắc và là thủ phủ cây cao su vùng này với diện tích hơn 11.000ha. Theo ông Hà Văn Um, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, cao su ở đây là giống tốt nhất. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo Tây Bắc hoàn toàn không thích hợp để trồng cây cao su, cả về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Thừa nhận các nhà khoa học cảnh báo đúng nhưng theo ông Um, không phải nơi nào khí hậu cũng giống nhau.
"Quan trọng nhất là đất phải tốt, không có sương muối. Nếu nơi nào lạnh mà có sương muối thì không thể trồng được. Ở Lai Châu chỉ trồng được cao su ở Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, còn một số nơi khác vẫn đang xem xét. Những vùng này nóng hơn, có ngày nhiệt độ lên đến hơn 40 độ, mùa đông không bao giờ có sương muối.
Trung Quốc trồng trước cao su trước ta trên 50 năm, họ cũng phải chọn những vùng không có sương muối để trồng. Những tỉnh sâu trong nội địa thì bảo khí hậu khác, chứ Lai Châu giáp Trung Quốc khí hậu giống nhau, họ trồng 50 năm rồi lẽ nào mình không trồng được?".
Năm 2006, ông Hà Văn Um sang Trung Quốc để mua giống cao su về trồng thử. "Trung Quốc trồng giống gì, ta trồng giống đó. Tôi sang Trung Quốc chọn giống cao su rồi về trồng thử nghiệm 100ha. Đến nay diện tích này đã cho thu hoạch mủ và đã bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên dịp này Trung Quốc mua rẻ quá nên chúng tôi không cho cạo mủ nữa, tạm dừng lại để sang năm bán cho nhà máy của tập đoàn Cao su giờ đang xây dựng", ông Um nói.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu vẫn nhớ ngày nhập giống cao su Trung Quốc về, chủ vườn cao su Trung Quốc sang tận nơi để hướng dẫn cách trồng, thậm chí trình độ canh tác, kỹ thuật cạo mủ của người dân cũng do Trung Quốc hướng dẫn.
"Chúng tôi chỉ nhập giống cao su Trung Quốc có 2 năm (2006-2007) sau đó bắt đầu trồng đại điền. Đợt nhập đầu tiên này cho mủ tốt, trên 1 tấn mủ/ha. Hiện giống cao su Trung Quốc vẫn đang phát triển ở Lai Châu. Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng nhập giống cao su Trung Quốc nhưng mới được 4-5 năm, chưa cho mủ".
Ông Um tính toán, năm ngoái mỗi hộ gia đình trồng 1ha cao su thu được khoảng 2.000 tệ/tháng (6-7 triệu/tháng), số tiền này thu được trong 8 tháng, còn 4 tháng là mùa đông người dân không cạo mủ. Tuy nhiên năm nay giá mủ cao su giảm mạnh, Trung Quốc nhập ít nên thu nhập của các hộ nông dân không còn được như trước nữa.
Cao su chưa có mủ, nông dân vẫn lĩnh lương 3-4 triệu/tháng
Dù Thủ tướng vừa ký quyết định cho triển khai thí điểm ở Sơn La cho hộ nông dân góp vốn bằng đất vào các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam để trồng cây cao su nhưng trên thực tế, mô hình liên minh giữa người dân địa phương với doanh nghiệp cao su đã được tiến hành từ lâu ở Tây Bắc, trong đó có Lai Châu.
Theo ông Um, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam ký kết với từng hộ nông dân, theo đó khi góp đất nông nghiệp, người dân được hưởng 10% giá trị sản phẩm. Ngoài ra, người dân góp đất được tham gia làm công nhân của doanh nghiệp cao su.
"Hiện Lai Châu có gần 4.000 người đang làm việc cho Tập đoàn Cao su Việt Nam, trong đó trên 90% là người dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái, Dao. Một số hộ không làm công nhân thì được nhận khoán bảo vệ, chăm sóc vườn cao su ở gần nhà. Tuy nhiên hiện cao su chưa cạo mủ nên thu nhập chưa có, các chi phí do Tập đoàn Cao su bỏ ra".
"Bà con phấn khởi lắm. Một người làm công nhân cho Tập đoàn Cao su, nhận khoán từng khâu trung bình một tháng cũng được trả khoảng 3-4 triệu đồng. Ngoài ra, mai kia cao su có mủ bà con lại được trả 10% sau khi lấy tổng thu trừ đi toàn bộ chi phí", ông Hà Văn Um cho biết.
Hiện diện tích cao su của Lai Châu là hơn 11.000ha và đến hết năm nay, tỉnh sẽ trồng thêm 1.700ha nữa. Với mức bình quân là 2 lao động/1ha, số lao động từ các hộ gia đình được nhận vào làm ở doanh nghiệp không nhiều, đồng nghĩa với việc dư thừa một lượng lớn lao động.
Tuy nhiên, ông Hà Văn Um trấn an: "Tới đây Tập đoàn làm nhà máy cao su sẽ lại tuyển vào. Trong thời gian chờ đợi, tỉnh hỗ trợ giống và kinh phí để người dân trồng xen trên diện tích đất cao su chưa khép tán. Theo đó, trong giai đoạn 3 năm cao su chưa khép tán, người nông dân được trồng các loại cây như đỗ, lúa nương để tiếp tục thu hoạch".
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu đánh giá cao tiềm năng mở rộng diện tích cao su ở Tây Bắc. Theo ông, trồng cao su vừa giúp bà con nông dân có thu nhập vừa phủ xanh đất trống đồi trọc. "Tuy nhiên phải rất thận trọng chọn nhưng vùng thích hợp để mở rộng. Những vùng nóng như Lai Châu, đất đồi thích hợp là có thể trồng được".
Lãi được nhờ, lỗ mất đất
Ngày 23/7 tới, Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La sẽ làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam để thống nhất kế hoạch triển khai thí điểm cho hộ nông dân góp vốn bằng đất vào các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn để trồng cây cao su.
Ông Nghị cho rằng, lợi nhuận của người dân góp vốn bằng đất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nếu lãi thì dân được nhờ, còn doanh nghiệp lỗ thì dân mất đất. Người dân giao đất cho doanh nghiệp theo 1 chu kỳ của cây cao su 29-30 năm.
Trước lo ngại Tây Bắc không thích hợp để trồng cao su, ông Nghị cho biết: "Viện Nông nghiệp miền núi phía Bắc đã khảo nghiệm và đã có kết luận rồi. Bên kia dãy Hoàng Liên Sơn cao su bị dính nhiều bệnh h��n, còn bên này dãy Hoàng Liên Sơn như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu thì ít hơn.
Thực tế ở Lào cùng độ cao ấy, cùng vĩ độ ấy, loại đất ấy họ đã trồng được cao su. Người Mông đã trồng cao su cho mủ rồi. Tất nhiên hiệu quả đến mức độ nào thì cũng phải qua khảo nghiệm, chứ cảnh báo thì các ông ấy cảnh báo chung chung thế thôi. Ở bên Lào, Phongsaly, Oudomxay, Luangnamtha trồng bạt ngàn cao su và sát ngay Điện Biên. Hay ở vùng Xishuangbanna (Vân Nam, Trung Quốc), dọc sông Đà hoặc trên đầu nguồn sông Hồng, huyện Bình Biên của Vân Nam cũng trồng. Cái đó không ngại lắm, có điều chế độ chăm sóc cây cao su đòi hỏi địa hình cao, biết chọn đất tốt, đúng vị trí thì không sao, chứ chọn nhầm đất xấu quá thì cây tre còn không mọc nói gì cây cao su".
Tại Sơn La hiện nay đã có hơn 4.000 hộ góp đất, trồng hơn 6.000ha cao su.
Thành Luân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét