Ở tuổi 30, Nguyễn Duy Minh (cựu sinh viên trường ĐH kinh tế TP.HCM) đã trải qua nhiều vị trí quản lý cao cấp ở những tập đoàn lớn. Nhưng rồi khi đang ở những đỉnh cao của sự nghiệp anh lại quyết định từ bỏ để tự thân lập nghiệp.
2 năm đi tìm niềm đam mê
Minh đầu quân cho doanh nghiệp Calofic (doanh nghiệp về dầu ăn) với vị trí là trợ lý cho Giám đốc Markerting toàn quốc. Công việc này đã giúp Minh phát huy được những kiến thức về ngành học của mình. Sau 3 tháng Minh được đề bạt là Trưởng kinh doanh vùng, dưới Minh khi đó là 50 nhân viên và địa bàn phụ trách là 14 tỉnh miền Tây.
Ở một vị trí tương đối trong một doanh nghiệp lớn khi ở tuổi 22 với nhiều người đó đã là thành công trong bước đầu khởi nghiệp nhưng với Minh, anh chàng xem thời gian đó vẫn còn đang trong quá trình loay hoay đi tìm niềm đam mê của mình.
Một năm đảm nhiệm Trưởng phụ trách kinh doanh vùng, Minh khiêm tốn nhận thấy mình thiếu nhiều kinh nghiệm sống. Thời gian sau đó Minh được đi theo một giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài. Chính thời gian này đã giúp Minh định hình rõ hơn về công việc tương lai cũng như tiến gần hơn đến việc hiểu mình muốn gì.
Tháng 4/2007, giữa lúc công việc vẫn đang phát triển rất tốt nhưng đó cũng là lúc Minh nhận thấy mình phải ra đi. "Sau khi rời Calofic, tôi chuyển sang làm ở Metro An Phú với công việc chăm sóc những khách hàng lớn của Metro. Công việc này đã cho tôi nhiều trải nghiệm vì mỗi ngày tôi được tiếp xúc và tư vấn cho rất nhiều khách hàng.
Tuy nhiên, trong tôi vẫn còn trăn trở về công việc trong mơ của mình. Tôi luôn đặt cho mình những câu hỏi: Tôi thực sự muốn tiếp xúc với ai trong công việc của mình? Những người đó như thế nào? Tôi muốn được học hỏi gì về họ? Tôi muốn làm về sản phẩm gì? Tôi muốn làm việc trong môi trường như thế nào? Và tôi cũng bắt đầu cảm nghiệm một điều: tôi rất thích hợp để làm về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển năng lực con người, đó là điều quý giá nhất sau 2 năm anh rút ra để chọn cho mình một hướng đi chắc chắn".
Tháng 9/2007, khi biết thông tin bên ITD (một doanh nghiệp chuyên đào tạo về nhân lực hàng đầu châu Á) đang tuyển, được một người bạn giới thiệu Minh đã đến ứng tuyển với xuất phát điểm là nhân viên bình thường. Công việc dần ổn định và tốt hơn. Sau hơn một năm, sếp trực tiếp về lại Malaysia, Minh được chọn điều hành ITD Việt Nam. Lúc này Minh thấy khát khao chinh phục cái mới vẫn còn mạnh mẽ và mong muốn đẩy đam mê của mình lên một tầm mới nên anh chàng lại quyết định "nhảy việc" một lần nữa. Khách hàng, đối tác thân thiết đều rất bất ngờ, riêng Minh vẫn tự tin với sự lựa chọn của mình.
Minh chuyển sang làm giám đốc điều hành trường Phát triển nhân cách và tài năng John Robert Powers (JRP). Sau một thời gian ngắn cộng tác cùng JRP, anh chàng nhận ra mục đích của mình và JRP không gặp nhau nên ra đi và quyết định thành lập doanh nghiệp riêng để theo đuổi, xây dựng trọn vẹn đam mê và ước mơ của mình.
Cần đi tìm đam mê bằng sự chủ động
Khi được hỏi Minh nghĩ thế nào nếu một người trẻ dám từ bỏ một chỗ đứng cao để bắt đầu bằng một khởi điểm công việc mà mình yêu thích, anh thẳng thắn chia sẻ: "Ngay bản thân tôi nếu trước đây chỉ an phận với công việc quản lý ở doanh nghiệp dầu ăn thì có lẽ giờ đây tôi vẫn còn đang phải trăn trở trong việc đi tìm kiếm nghề nghiệp thực sự của mình. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một người: "Trong mỗi người, ai cũng có những hạt giống của sự vĩ đại. Bởi vậy, có nhiều quyết định mà chỉ bản người đó mới hiểu được, chứ người khác nhìn vào thì sẽ nghĩ đó là một chọn lựa sai lầm".
Cũng theo anh, trong việc lựa chọn nghề nghiệp của người trẻ thì việc mở rộng vùng an toàn của bản thân là hết sức cần thiết. Vì trong quá trình mở rộng vùng an toàn có nghĩa là bạn dám đương đầu với sự thay đổi, vượt qua những sợ hãi để thử thách bản thân mình.
Với Nguyễn Duy Minh, sự chủ động là điều rất cần cho những người trẻ trong quá trình khởi nghiệp. Thế nhưng thực tế cho thấy hiện nay một bộ phận người trẻ còn trong tình trạng thiếu sự chủ động.
Minh tâm sự: "Các bạn đã để cho sự chủ quan lớn hơn sự chủ động. Hiện nay với Internet, thông tin không thiếu nhưng các bạn vẫn thiếu những thông tin hữu ích. Bởi các bạn tiếp nhận nguồn thông tin nhưng lại không có sự chọn lọc. Vì vậy, việc hướng nghiệp sẽ không có hiệu quả khi bản thân mỗi bạn trẻ không có sự chủ động. Sự chủ động không phải là một chốc một lát mà thành, nó đòi hỏi cả một quá trình xuyên suốt qua các cấp học".
Nói về bí quyết tăng cường tính chủ động nơi người trẻ, Minh cũng "bật mí" việc này được thực hiện qua hai yếu tố quan trọng nhất là "những cuốn sách bạn trẻ đọc và những người bạn trẻ gặp". Bổ sung kiến thức bằng việc đọc những cuốn sách hữu ích và gặp những người thành công để học hỏi thêm từ họ là điều hữu ích nhất và quan trọng phải dám nghĩ dám làm, dám thay đổi.
Theo Sinh Viên Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét