Một số NH đang nỗ lực tự giải quyết số nợ xấu bằng cách bán cho đối tác, song song bán cho VAMC
Bán nợ "liên NH"
Ngay từ đầu năm 2014, các NH đã đưa ra rất nhiều phương án để tự xử lý những khoản nợ xấu hiện hữu, bên cạnh việc tăng cường bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc NHTMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, trong tổng số 6.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC, đến nay NH mới thu hồi bằng tiền mặt được hơn 200 tỷ đồng. Nguyên nhân do thanh khoản thị trường giao dịch nợ thời gian qua chưa cao, nên số nợ NHTM bán để có thể thu tiền về còn chưa như kỳ vọng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, NH này sẽ bán thêm khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu là lấy bằng trái phiếu chuyển đổi.
Nhiều khoản nợ xấu đến nay đã ăn mòn vào tài sản DN
Theo ông Văn, trong số nợ bán, SCB phân ra ba loại: nợ bán, nợ tái cơ cấu và nợ tranh chấp pháp lý cần giải quyết của tòa án. Theo đó, phần lớn số nợ xấu tại SCB rơi vào mục tái cơ cấu và có tranh chấp pháp lý. Đáng chú ý là các khoản nợ này đều là tài sản, nhưng trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay và các ràng buộc pháp lý, vẫn đang rất khó xử lý các loại tài sản.
Giải pháp tự xử lý nợ xấu của SCB là bán nợ giữa các NH với nhau. Cụ thể, đối với những dự án BĐS đang xây dựng dở dang, chủ đầu tư thiếu vốn không thể tiếp tục thực hiện, NH sẽ rao bán hoặc chuyển nhượng cho những NH khác có nhu cầu thâu tóm để tiếp tục phát triển. Cách làm này giúp SCB chuyển hóa nợ xấu thành tiền mặt nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó, NH đẩy nhanh tiến độ bán dự án BĐS cho các chủ đầu tư khác. Thời gian qua SCB đã làm việc với nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước để bán những dự án đang xây dựng để thu hồi vốn.
Theo ông Văn, mặc dù SCB đã nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư mới nhằm đa dạng khách hàng có thể mua số tài sản cầm cố là nhà xưởng, BĐS. Đặc biệt BĐS trong lĩnh vực ngành thủy sản đang có xu hướng phục hồi nhờ có thêm nhiều hợp đồng mới, song phần lớn khoản nợ xấu thì SCB vẫn phải sử dụng công cụ trích lập dự phòng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị trích lập dự phòng các khoản nợ này của SCB lên đến gần 100 tỷ đồng. "Không có nhiều cơ sở để cấn trừ nợ. Do đặc thù của loại hình kinh doanh nên 100% tài sản đảm bảo được hình thành từ hàng hóa thì đến nay đã không còn gì" – ông Văn nói. Theo ông Văn, những khoản nợ nằm trong diện tái cơ cấu và có tranh chấp pháp lý phải kiện ra tòa thì hầu như "chủ nợ" chỉ biết chờ đợi.
Giãn nợ để xử lý
Cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN cũng là một cách để các NHTM tự giải quyết tỷ lệ nợ xấu không tăng thêm trong khi chờ thời kỳ DN phục hồi sẽ tiếp tục trả nợ cho NH. "Chúng tôi căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng, căn cứ vào phương án sản xuất kinh doanh để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt được 2 mục đích: giảm chi phí, giảm giá thành của DN. Bởi cơ cấu lại nợ cho DN nhưng không chuyển nhóm nợ sẽ tránh được lãi suất phạt do nợ xấu, đồng thời giảm tỷ lệ nợ xấu NH. Điều này đã hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn và được tiếp tục vay vốn NH", ông Văn giải thích thêm.
Theo các NHTM, đến nay, những khoản nợ xấu mà VAMC không mua chủ yếu là nợ có tranh chấp pháp lý về tài sản đảm bảo và những khoản nợ này NH sẽ phải chờ đợi từ 3-5 năm mới có thể giải quyết. Một mặt, NH phải chờ các khung pháp lý đầy đủ trong phát mãi tài sản đảm bảo, các công cụ thực hiện phán quyết của Tòa án cũng cần được Bộ Tư pháp hỗ trợ mới đẩy nhanh tiến độ bán nợ xấu được thế chấp tài sản đảm bảo bằng BĐS trong NH.
Thừa nhận đã sử dụng rất nhiều các giải pháp bán nợ xấu trong thời gian qua, song theo ông Văn, các công cụ này mới chỉ đạt được kết quả tương đối. Thực tế nếu nền kinh tế vẫn vận động chậm chạp như hiện nay thì các phương án xử lý nợ xấu mà NHTM tự thiết lập không thể tạo ra một chuyển biến nhanh được.
Không riêng gì SCB, lãnh đạo những NH khác cũng thừa nhận, thời gian qua tuy đã rất tích cực, chủ động trong việc xử lý nợ xấu, nhưng kết quả vẫn chiếm một tỷ trọng khiêm tốn so với tỷ lệ bán nợ cho VAMC. "Nợ xấu càng xử lý nhanh càng đỡ thua lỗ. Bởi ở giai đoạn thị trường đi xuống, mọi người thường cố gắng bán tống bán tháo tài sản khiến thị trường càng xuống nhanh hơn. Ngay cả khi thị trường có dấu hiệu đi lên, nhưng nếu chậm xử lý sẽ có nguy cơ tạo thành đáy thứ hai và đáy đó sẽ nguy hiểm hơn. Do vậy, các NH đang mong muốn có nhiều sự hỗ trợ hơn từ phía Nhà nước", một lãnh đạo NH chia sẻ.
Thực tiễn cho thấy, việc xử lý nợ xấu gắn với tài sản thế chấp là BĐS ở Việt Nam có đặc thù riêng so với các nền kinh tế phát triển. Nguyên do những quy định pháp lý về sở hữu địa ốc hiện nay còn nhiều ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, hơn 60% các khoản tín dụng được đảm bảo bằng BĐS. Những loại tài sản đảm bảo khoản vay là BĐS khi thị trường nhà đất phát triển thường được NH cầm cố với mức định giá cao. Nay thị trường đóng băng, thậm chí nhiều giá trị tài sản đảm bảo đã ở mức "âm", so với vốn cho vay gốc của NH. Trong khi đó, tài sản đảm bảo của những khoản nợ xấu trong hệ thống NH nhiều nước phần lớn là nhà máy lớn, khi cơ cấu thì giá trị tài sản vẫn còn cao. Những tài sản nhà máy, nhà xưởng của các DN ở Việt Nam dù giá rao bán chỉ vài tỷ đồng vẫn không hấp dẫn được người mua vì giá trị đầu tư thấp…
Hơn nữa, ở các nước, họ áp dụng chính sách tài khóa để giao dịch nợ, trong khi ở Việt Nam, công cụ mạnh nhất trong xử lý nợ hiện nay là Công ty VAMC. Mặc dù việc giao dịch nợ xấu phải huy động bằng mọi nguồn lực của xã hội, tuy nhiên thực tế phải có một nguồn lực vật chất mạnh, thực có thì mới tạo ra đột phá trong giải quyết nợ xấu.
Quỳnh Chi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét