Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

iPhone mới và nỗi oan của "phố Tây" Sài thành

Cứ mỗi khi Hãng Apple công bố chuẩn bị ra mắt mẫu Iphone mới, tỉ lệ khai báo mất cắp điện thoại Iphone lại tăng vọt trên phạm vi toàn thế giới. Không nằm ngoài quy luật đó, ở "phố Tây" Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP HCM), những vị khách nước ngoài cũng thường xuyên giở "trò ma", hoang báo mất trộm điện thoại, để lấy giấy chứng nhận về nước đòi tiền bảo hiểm, hoặc được cấp lại Iphone mới. Màn kịch này không ít lần làm các cán bộ chiến sĩ công an khu "phố Tây" phải đau đầu...

1.5 giờ sáng Chủ nhật. Một nhóm khách trẻ cả nam lẫn nữ đã hơi tây tây men bia bước ra từ Go2 Bar. Họ bịn rịn chia tay nhau dưới lòng đường. Cô gái người Nhật đeo trên tay một chiếc túi điệu đàng lần lượt ôm hôn những người bạn nói lời tạm biệt. Một tiếng rẹt ga đanh gọn vang lên, chiếc Honda Wave lướt qua người cô gái, tên ngồi sau nhanh như chớp giật lấy chiếc túi.

Cô gái người Nhật theo phản xạ vẫn giữ chặt chiếc túi, bị kéo đi một đoạn. Chạy được mấy bước và sắp bị lôi đi trên mặt đường, cô bất lực buông chiếc túi ra. Chiếc xe chở 2 tên cướp lao thẳng về phía quận 4. Những người bạn của cô gái sau khi định thần lao đuổi theo, nhưng không kịp.

Tận mắt chứng kiến vụ việc, tôi và vị khách người Hà Lan cũng mới bị móc mất chiếc Iphone 5, đang lang thang tìm tung tích những đối tượng khả nghi, đành phải bỏ dở công việc và hướng dẫn cả nhóm lên Công an phường Phạm Ngũ Lão trình báo. Cô gái Nhật vẫn chưa hết hoảng sợ, nước mắt vẫn rơm rớm trên mi.

Lắc đầu nhìn những vị khách nước ngoài thất thểu ra về, Đại úy Huỳnh Việt Thắng cười vẻ khổ sở. Vị Đại úy trực ban hình sự phường cho tôi biết, rõ ràng về tình là tôi đã chứng kiến vụ giật đồ. Nhưng những gì tôi nhìn thấy chỉ là chiếc túi bị giật. Dù có thông cảm với nạn nhân đến mấy, về lý, các anh vẫn phải xác minh kỹ càng rằng đồ vật bị mất bên trong có phải như họ đã trình báo hay không.

"Nói đến mất Iphone là anh em ngao ngán rồi. Chiếc điện thoại đắt tiền này là mục tiêu hàng đầu của những nhóm trộm cướp, bị mất nhiều, là một chuyện. Nhưng cũng có nhiều vị khách xấu bụng, biết chiếc Iphone có giá trị, đem bán đi lấy tiền tiêu, rồi hoang báo là mất, để lấy được giấy xác nhận của công an, về nước đòi bảo hiểm", Đại úy Thắng tâm sự.

Các chiến sĩ hình sự phường cho biết, thời kỳ đầu chưa có kinh nghiệm, anh em tốn không biết bao nhiêu công sức để lấy lời khai nạn nhân, đi xác minh đủ kiểu những tin hoang báo kiểu này. Về sau, đã quá quen, chỉ cần sử dụng vài câu hỏi nghiệp vụ, là những vị khách xấu tính này lòi đuôi cáo ra ngay.

Việc đầu tiên là các anh tập trung vào hỏi những số điện thoại họ hay liên lạc gần nhất. Tiếp theo, các anh hỏi kỹ về việc nạn nhân trình báo có sử dụng các phần mềm tìm kiếm Iphone bị mất trộm như Find my Iphone, Find My Friends, có cài Passcode hay không... Kế đến là việc khách có dùng Icloud hay không... Những kiến thức tối thiểu về những phần mềm tiện ích dành riêng cho điện thoại Iphone này, bước đầu, sẽ giúp các anh sàng lọc ngay ra những khả năng nghi vấn.

Thông thường, những vị khách xấu bụng vì đã trót mang điện thoại đi bán lấy tiền tiêu, sẽ nhất quyết không dám cung cấp những thông tin trên, vì ngay lập tức qua kiểm tra song song trên Icloud, các vị sẽ lòi ngay chuyện  xấu của mình ra.

Thứ nữa, cách kiểm tra này cũng giúp loại bỏ thẳng thừng những vị khách "rảnh" chuyện, cả đời chưa dùng Iphone bao giờ, nhưng khi uống sừng sừng lên rồi là đi khai báo... mất điện thoại.

Đã bước sang ngày mới nhưng phòng trực ban Công an "phố Tây" vẫn nhộn nhịp: những đối tượng tình nghi mua bán ma túy đang được sàng lọc.

2.Thực ra vấn nạn hoang báo mất Iphone rồi về đòi đền bù là một bệnh dịch lan tràn khắp thế giới. Nếu đã từng ở nước ngoài, bạn sẽ thấy các nhà mạng khi bán điện thoại Iphone, thường sẽ bán kèm những gói bảo hiểm phòng chống mất cắp và hư hỏng, thanh toán một lần theo gói, hoặc thanh toán dần từng tháng, tùy theo đặc thù của gói dịch vụ.

Điều này giúp khách hàng yên tâm hơn khi sử dụng, và nếu gặp trường hợp xấu nhất, khách hàng sẽ được cung cấp miễn phí một chiếc máy mới giống hệt cái mình đang sử dụng.

Nhưng đây cũng là một lỗ hổng rất dễ bị lợi dụng. Thường ở Mỹ, châu Âu và châu Úc, khách hàng không bao giờ bỏ nguyên một cục tiền mua máy mới về dùng như ở châu Á, mà họ mua các gói dịch vụ của nhà mạng, thường là cố định trong vòng 2 năm, rồi được tặng miễn phí máy.

Tất nhiên, máy miễn phí thì thường là lạc hậu mất một đời máy, trong khi đó, ai cũng muốn được dùng máy hiện đại nhất. Thế là những vị khách xấu tính sẽ canh me thời gian để ra tay, đặc biệt là thời điểm mỗi khi Hãng Apple chuẩn bị tung ra đợt máy mới.

Thông thường, vào thời điểm này, những đời máy trước đã được bán gần hết, dọn chỗ cho đời máy mới bước vào thị trường. Khi đó, một yêu cầu từ phía hãng bảo hiểm sẽ được các nhà mạng cân nhắc đền bù bằng một đời máy mới hơn hẳn so với cái khách hàng đang sử dụng và đã báo mất. Thế là những khách hàng xấu tính lời to.

Đặc biệt vào những dịp này, việc trình báo "mất" hoặc "mất trộm" điện thoại bùng lên như đại dịch. Ở châu Mỹ, châu Âu và châu Úc, việc kiểm soát một chiếc máy bị báo là đã "mất" hoặc "mất trộm" khá nghiêm ngặt. Các nhà mạng sẽ giám sát chặt chẽ số IMEI, thậm chí số ICCID của chiếc máy đã mất. Bất kỳ một tín hiệu kích hoạt nào sẽ dẫn đến việc khóa kỹ thuật vĩnh viễn hoặc dính dáng đến pháp luật cực kỳ phiền toái đối với người đang sử dụng chiếc điện thoại bị coi là bất hợp pháp kể từ thời điểm bị báo mất.

Và cách thông thường, để những khách hàng xấu bụng có máy mới một cách an toàn, họ thường hủy máy cũ đi, bằng đủ mọi cách: ném xuống nước, cho xe hơi chẹt qua, ném từ trên nhà cao tầng, vùi trong tuyết...

Tình trạng này lan tràn theo cấp số nhân, cứ mỗi lần Apple thông báo chuẩn bị ra mẫu mới là báo chí lại tràn ngập chuyện lừa đảo mất Iphone, rên rỉ hộ các hãng bảo hiểm. Nhưng điều kỳ lạ là các hãng bảo hiểm không bao giờ chịu tiết lộ con số cụ thể số thiệt hại họ phải chi trả, hay cách thức cụ thể mà những kẻ xấu bụng đang làm họ điên đầu. Họ chỉ đưa ra những con số thiệt hại rất chung chung, kiểu như năm nay cao gấp đôi năm trước... tránh đi chuyện người ta đua nhau học cách vi phạm pháp luật này.

Nhưng một số khách hàng phương Tây còn "bựa" hơn. Đối với họ máy đời mới hay đời cũ không quan trọng, vì họ đã đem máy cũ bán lấy tiền rồi. Được đền lại bằng một chiếc máy mới cùng đời, dù có lạc hậu một chút, cũng chẳng hề sao.

Những tên tội phạm kiểu mới này thường lựa chọn châu Á là nơi "đẩy" chiếc Iphone mua theo hợp đồng dài hạn của mình, vì đây là nơi rất an toàn, là thiên đường của những người dùng phần mềm bẻ khóa Cydia. Thậm chí, không cần bẻ khóa, một chiếc Iphone được dỡ ra thành từng phụ kiện nhỏ để làm linh kiện thay thế vẫn có giá trị quy đổi bằng tiền mặt rất cao, vì ở đây người ta thường không đưa điện thoại vào hãng để sửa. Khi một chiếc Iphone bị dỡ nhỏ ra thành các linh kiện, không một hãng bảo hiểm nào có thể sờ gáy được họ.

Khách du lịch nước ngoài đã đem lại sức sống mãnh liệt cho "phố Tây" nhưng nhiều người trong số họ là nỗi đau đầu của cơ quan chức năng.

3.Không những dễ tiêu thụ Iphone "locked" bằng cách bán thẳng cho những cửa hàng sửa chữa điện thoại và nhận về tiền mặt một cách an toàn, những "tội phạm Iphone" còn coi đây là "thiên đường" khi dễ dàng lấy được giấy chứng nhận của cảnh sát sở tại về việc mất trộm điện thoại, đặc biệt là Iphone.

Đối với những tên tội phạm kiểu này, chúng nắm rất rõ tâm lý cảnh sát châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á, rất ngại gây phiền toái đối với công dân các nước phát triển. Họ thường nể nang, châm chước, nhất là khi khách phương Tây thể hiện sự bực tức.

Ngay tại Việt Nam, còn khá nhiều công an các địa phương ngại chuyện nhỡ người ta không hài lòng, người ta báo lên lãnh sự hoặc đại sứ, rồi trên đấy lại đánh công văn sang cấp trên, rất phiền toái. Bên cạnh đó, rào cản ngôn ngữ cũng là một trở ngại rất lớn. Nhiều khi anh em chiến sĩ một số khu vực đành làm cho xong chuyện.

Nhưng đã "va" quá nhiều với khách "bựa" kiểu này, cảnh sát hình sự và cảnh sát khu "phố Tây" Phạm Ngũ Lão khá rắn tay với những đối tượng khả nghi. Hơn 1 tuần lang thang cùng anh em trong phường, tôi đã chứng kiến, ngày cũng như đêm, nhá nhem cũng như rạng sáng, dù Tây hay ta đều phải đúng quy trình: trình báo, xác minh, phiên dịch, tái xác minh, định giá tài sản... tất cả đều được thực hiện đúng khuôn mẫu, không du di châm chước.

Đã từng là lính hình sự kỳ cựu, đảm nhận vị trí Đội trưởng CSHS quận 1 trong nhiều năm, về phường Phạm Ngũ Lão làm Trưởng Công an phường, Trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa càng hiểu những trò ma mãnh này. Trung tá Nghĩa quán triệt anh em đối với những đối tượng ma mãnh này, tuyệt đối phải rắn mặt, không nhân nhượng bỏ qua.

1 giờ 30 phút sáng, những vị khách ham chơi mới bắt đầu bước vào "tăng 2" ở các quán bar.

Vị Trung tá Trưởng phường xác định, nếu để lỏng khâu này, các hãng bảo hiểm trước sau rồi cũng sẽ liệt kê TP HCM vào danh sách "điểm đen" bảo hiểm. Cái thiệt hại về uy tín, về danh dự sẽ còn lớn hơn nhiều so với việc bị phê bình, hay thậm chí là những lời chất vấn từ phía lãnh sự hay sứ quán nào đó cho rằng đã không hỗ trợ công dân nước họ một cách kịp thời.

Nhưng nghiêm túc, đúng quy trình, không có nghĩa là thờ ơ, bàng quan và lạnh lùng. Nếu xác định lời trình báo của nạn nhân là chính xác, anh em hình sự sẵn sàng lấy xe máy đèo nạn nhân đi xác minh, bất kể ngày đêm. Bản thân Đại úy Huỳnh Việt Thắng không ít lần đã phải đèo những nạn nhân bị giật đồ đi lần theo dấu vết định vị của phần mềm Find My Iphone.

Những chuyến đi vừa lái xe vừa cắm mặt theo bản đồ GPS ấy có khi kéo dài từ quận này sang quận khác, kéo dài từ tiếng này sang tiếng khác. Kẻ tình nghi cầm điện thoại ra đường lớn thì còn dễ bắt tín hiệu. Chúng chui vào các con hẻm ngoằn ngoèo, thậm chí chui vào tầng trệt là mất sóng. Anh em lại phải đứng chờ, có tín hiệu rồi tiếp tục theo dấu.

Đại úy Thắng cho biết, không ít lần cảm thấy uất cả người, vì định vị được chiếc điện thoại rõ ràng là ở trong bán kính có vài mét vuông thôi, nhưng vài mét vuông ấy là mấy cửa hàng sửa chữa và bán điện thoại san sát nhau trên đường Hùng Vương, quận 5. Cũng lại có lần phần mềm định vị dẫn anh và đồng đội đến đầu hẻm, thì tín hiệu đột nhiên mất. Kẻ ma mãnh tắt nguồn, tháo sim, thậm chí rã máy chỉ trong nháy mắt...

...Nhìn sự bất lực và chán nản của những nạn nhân mất đồ, nhiều lúc Đại úy Thắng thấy áy náy. Cái áy náy ấy còn kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ sau, khi anh giúp vị khách kém may mắn kia hoàn tất thủ tục trình báo và xác minh mất trộm. Thì người ta rõ là mất đồ rồi, mà vẫn còn phải bề bộn những giấy tờ hành chính, cái thủ tục vốn vẫn xa lạ với xứ người! Nhưng biết làm sao, "nỗi oan" ấy của công an khu "phố Tây", những người lính hình sự vẫn phải cắn răng, mãi cũng quen rồi...

Từ khoá: công an gia nạn nhân gói bảo hiểm an toàn tiền bảo hiểm điện thoại bão khách du lịch bảo hiểm miễn phí thiệt hại hãng bảo hiểm giấy chứng nhận khách hàng cảnh sát cung cấp miễn phí tội phạm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . Tin tuc hot online, Tin nong trong ngay - Posts · Comments
Theme Designed by tintuchotonline