Chùa Trầm tọa lạc trên một diện tích chỉ trên dưới năm chục mét vuông trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 25 km.
Chùa được xây dựng vào đầu thế kỉ 16, do một vị tướng quân xuất gia lập nên. Chùa nằm dưới chân núi Tử Trầm Sơn, thuộc vùng đất So Sở, là một quần thể kiến trúc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc chùa Bắc Bộ và núi, hang tự nhiên.
Chùa Trầm được gọi tên theo tên ngọn núi mà nó dựa vào. Tương truyền ngày xưa ở trên đỉnh núi này có một cây trầm rất to, thân cây nhiều người ôm không xuể, tỏa hương thơm khắp vùng. Sau này, dù cây không còn nữa nhưng người ta vẫn gọi là núi Trầm hay núi Tử Trầm. Toàn bộ khu núi Trầm này xưa kia cũng là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung và đã cho xây nhiều công trình mà nay vẫn còn dấu tích.
Xưa kia toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Núi Tử Trầm có chùa Hang được xây dựng trong động Long Tiên dưới chân Tử Trầm Sơn với những pho tượng đá, văn bia khắc trên vách động, trống đá, khánh đá... ; có hang Long Tiên Động rất lớn và bàn thờ Phật bên trong. Ở đây có đường lên đỉnh núi gọi là đường lên Trời và đường xuống hang sâu gọi là đường xuống Âm phủ. Đứng trên đỉnh núi Trầm có thể nhìn thấy toàn cảnh vùng đất So Sở và các danh thắng kề cận như chùa Vô Vi, chùa Trăm Gian ...
Với quy mô không lớn nhưng mang vẻ đẹp cổ kính. Sự nhỏ bé ấy, vẻ đẹp ấy cùng với khoảng sân đất rộng, bằng phẳng phía trước và những cây đại thụ vây quanh đã tạo ra một không gian vừa thanh bình vừa thiêng liêng. Trong chùa có kho tàng 60 pho tượng Phật và dòng nước ngầm chảy từ Long Tiên động tới đền Mẫu và đặc biệt là cây gạo nở hoa đỏ rực góc trời mỗi mùa xuân, mỗi dịp hội chùa khiến cho ta có cảm giác mọi thắng cảnh trong quần thể chùa Trầm đều có liên hệ mật thiết, gắn bó, hòa hợp với nhau.
Hàng năm hội chùa Trầm diễn ra vào mùng 2/2 âm lịch hàng năm, với những trò chơi dân gian: đu tre, rối nước, bàn cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà... Người dân tới lễ chùa Trầm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống an lành thịnh vượng. Điều đặc biệt là vào dịp lễ hội này, dân làng tổ chức lễ rước ảnh Bác Hồ, gợi nhớ tới năm xưa Bác từng bốn lần đến thăm chùa. Trong những ngày cuối tuần cũng có hàng trăm người đến vãn cảnh thăm chùa. Núi Trầm, Chùa Trầm là một điểm quan trọng trong du lịch Hà Nội, một địa chỉ văn hóa - lịch sử thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa.
Thảo Phương (Thethaovietnam.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét