TTO - Trong những hành trình rong ruổi, được uống ly cà phê ở lưng chừng đèo khi hoàng hôn xuống, bên bờ suối khi bình minh lên... thì thật không còn gì thú vị bằng.
"Tiệc" cà phê ở thảo nguyên xanh Yên Minh (Hà Giang) - Ảnh: Thủy Trần |
1. So với thưởng trà thì cà phê xem ra không phức tạp lắm. Đồ nghề đi kèm cũng không đòi hỏi phải chén tống, chén quân, khay đĩa lích kích lại dễ vỡ. Trong khi trà đòi hỏi một không gian tĩnh, một địa điểm tĩnh thì cà phê có phần linh động hơn nhiều. Có lẽ vì thế, cà phê trở thành món ngon khó bỏ của nhiều khách lữ hành trên đường phiêu du.
Trong nhiều hành trình rong ruổi, việc dừng chân và ghé vào quán nhỏ dọc đường để uống ly cà phê cho tỉnh táo đã là cái thú. Mà được uống cà phê dọc đường, lưng chừng đèo khi hoàng hôn xuống, bên bờ suối khi bình minh lên... những nơi mà chả bao giờ có quán cà phê dịch vụ thì thật không còn gì thú vị bằng.
2. Những năm 2006, khi phong trào uống cà phê trên đường phiêu du bắt đầu được dân đi bụi bằng xe máy đưa vào lộ trình như một việc không thể thiếu, đồ nghề chuẩn bị cho món ngon xem ra khá đơn giản.
Cà phê tan có sẵn đường, sẵn sữa. Một cái xoong nhỏ, mà thời đó xoong khuấy bột cho trẻ em là thích hợp nhất. Vào hiệu thuốc mua vài chai cồn sát trùng. Chai nước lọc và một lon nước ngọt rất không liên quan đến món cà phê.
Không có nồi thì dùng tạm lon coca nấu nước - Ảnh: Thủy Trần |
Pha cà phê bằng xoong - Ảnh: Thủy Trần |
Dẫn đoàn sẽ là người chọn thời điểm và địa điểm hạ trại, thường khi xuất phát khoảng một giờ đồng hồ, các thành viên nhóm bắt đầu phiêu với nắng, gió, núi, đèo, mây, nước... thì sẽ dừng lại. Mỗi người mỗi việc. Lon nước ngọt cắt ra làm đôi, lấy đáy để đựng cồn nước. Ba viên đá kê lại thành bếp, xoong khuấy bột bắc lên, đổ nước vào, đun một loáng là sôi.
Cà phê tan pha ra, nóng hổi, thơm ngào ngạt. Có ly giấy thì mỗi người một ly trang nhã. Còn không thì chai nước suối cắt khéo là có 2 cái ly quá tiện rồi.
Giản tiện hơn, một lần dừng chân ở ngã ba Lử Thẩn, đường đi Bản Phố (Bắc Hà), Simacai, một sớm mùa đông mà nắng lên trong vắt, hơi lạnh của núi rừng vẫn ẩm ướt dưới bánh xe, cả bọn thèm một ly cà phê khó tả. Chỉ có cà phê, có nước lọc, không có xoong, cũng không có cồn khô.
Nào có hề gì, một xe quay ngược lại độ vài cây số tìm mua một lon nước ngọt, cồn không có thì đã có củi khô, vỏ lá giòn rụm bên vệ đường. Bạn đồng hành tỉ mẩn mài bay nắp lon nước ngọt, rồi bắc bếp lá, dùng lon coca làm siêu đun nước, đổ cà phê vào hòa tan. Độ 15 phút sau là mỗi đứa đã chia nhau ngụm cà phê nóng bỏng lưỡi, thỏa mãn, phiêu diêu.
3. Một chặng đường dài hơn 5 năm đã trôi qua, câu chuyện về những ấm cà phê trên đường phiêu du đã có nhiều biến chuyển, dù vẫn còn đó những con người đầy ắp đam mê xê dịch trong trái tim. Một chiếc siêu sáng loáng bé xinh đã thay thế chiếc xoong khuấy bột. Những nhóm đi cầu kỳ mang theo cả bếp gas du lịch, tiện dụng và rất chuyên nghiệp.
Thay vì uống cà phê hòa tan, dân đi bắt đầu mang theo phin, cà phê bột, đường, sữa, ly giấy... Và thế là không cần vào quán, tự chúng ta đã thành... chủ quán, đợi cà phê tí tách rơi ngay trên đỉnh đèo hay trên một bờ sông lộng gió.
Uống cà phê trên đường thiên lý giờ đã thật đậm chất "chơi" với dân du lịch, nhất là với dân đi xe đạp hay xe máy vì với ôtô thì quá thuận lợi trong việc vận chuyển công cụ, dụng cụ và nguyên liệu cho thú chơi tao nhã và thi vị này.
4. Một trong những chi tiết nên có của một buổi cà phê tao nhã trên đường thiên lý đó chính là âm nhạc. Chỉ bằng một chiếc loa du lịch chạy pin và một thiết bị nghe nhạc phù hợp, thanh âm của những bản tình ca rộn ràng hay réo rắt sẽ cùng bạn ghi dấu vào hành trình những khoảnh khắc khó quên.
Dọn dẹp kỹ lưỡng trước khi rời đi, để lại cho nơi ta đến chỉ là những dấu giày bám bụi và mang đi những kỷ niệm ngọt ngào, hẳn là một thứ văn hóa cà phê trên đường thiên lý hay ho.
BĂNG GIANG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét