PN - Ngày 4/4/2013, người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên đe dọa: "Thời khắc bùng nổ chiến tranh đang tiến rất gần. Không ai có thể nói chiến tranh sẽ bùng nổ tại Triều Tiên hay không và liệu nó sẽ bùng nổ hôm nay hay ngày mai".
Tuyên bố của Triều Tiên cho biết, họ đang "dốc tổng lực" để bảo vệ chủ quyền của đất nước và chống lại một cuộc chiến hạt nhân của Mỹ. Phía Triều Tiên nói, đã chính thức thông báo cho Washington là những đe dọa liều lĩnh của Mỹ sẽ bị "các phương tiện hạt nhân tối tân đập tan".
Cùng ngày, hãng tin Yonhap cho hay, tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện việc Triều Tiên cho di chuyển một tên lửa tầm trung - có lẽ là loại tên lửa Musudan - tới bờ biển phía Đông của nước này. Tên lửa Musudan có tầm bắn xa khoảng từ 3.000 đến 4.000km nên căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam cũng ở trong tầm bắn. Vẫn chưa xác định được liệu tên lửa này có mang đầu đạn hạt nhân hay không, nhưng giới quan sát dự báo Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục "thị uy".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin thông báo, Triều Tiên đã di chuyển tới bờ Đông các tên lửa "tầm đáng kể", nhưng ông bác tin nói đây là tên lửa Musudan hay còn gọi KN-08 có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Sau khi phân tích các bức ảnh tại khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, được chụp từ vệ tinh, Khoa Nghiên cứu các vấn đề Mỹ - Hàn Quốc của Trường đại học Johns Hopkins tại Mỹ cho rằng, Triều Tiên đã nối lại các hoạt động tại khu tổ hợp hạt nhân này - vốn bị đóng cửa từ năm 2007, bằng việc bắt đầu xây dựng một hệ thống làm mát khác.
Trước đó, hôm 3/4, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn giai đoạn cuối (THAAD), một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tối tân, tới đảo Guam trong những tuần tới như một biện pháp phòng ngừa. Như vậy, Mỹ và Triều Tiên đang chĩa tên lửa vào nhau.
Trong một động thái nhằm gia tăng "sức nóng", hôm 4/4, Triều Tiên tiếp tục ngăn cản người Hàn Quốc vào làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong với Hàn Quốc và đe dọa đóng cửa vĩnh viễn "bất kỳ lúc nào" nếu chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đưa ra những nhận định khinh suất về khu công nghiệp này.
Giới bình luận đánh giá cả hai bên, đặc biệt là Triều Tiên, dường như "đã đi quá xa" và cần có một giải pháp gỡ thể diện để hai bên có thể cùng tháo ngòi cho một cuộc xung đột có thể xảy ra do những sơ suất nhỏ. Một số nhà quan sát đề nghị Mỹ cùng Hàn Quốc - giống như những lần trước - nên có những động thái để Triều Tiên có thể tin tưởng và thay đổi cách xử sự.
Du Anh (AP, Reuters)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét