(PetroTimes)- Không chỉ trốn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), trốn đóng BHXH cho người lao động, giờ đây, nhiều doanh nghiệp còn có những chiêu trò mới để lách luật không đóng bảo hiểm.
Chỉ khi xin nghỉ việc mới biết mình không có BHXH
Không ít người lao động chỉ khi xin nghỉ ở một doanh nghiệp mới ngã ngửa ra rằng, mặc dù hằng tháng mình vẫn bị trừ các loại bảo hiểm nhưng đến khi nghỉ việc thì lại không hề có sổ bảo hiểm và chẳng có bất kỳ một chế độ nào dành cho mình.
Như trường hợp chị Nguyễn H.N, trưởng phòng sản xuất của một công ty truyền thông, chị gắn bó với công ty này được 5 năm, nhưng rồi công ty làm ăn sa sút, nợ lương nhân viên đến cả năm nên đành chấp nhận "bỏ của chạy lấy người", chỉ mong sao lấy được quyển sổ BHXH để khi đi xin việc ở cơ quan khác không bị thiệt thòi chế độ. Nhưng chỉ đến lúc này chị mới biết mình chẳng hề có sổ bảo hiểm. Tuy rất bức xúc nhưng do mối quan hệ người nhà nên chị cũng "không tiện" kiện cáo bởi họ vẫn hứa là sẽ trả lại chị số tiền lương còn nợ, nhưng rồi mấy năm chờ vẫn... bặt vô âm tín. Sau khi nghỉ việc ở công ty truyền thông, H.N cũng đã có một công việc khác và được đóng BHXH đầy đủ.
Ngành may mặc là ngành sử dụng nhiều lao động, việc bảo đảm chế độ BHXH là rất quan trọng, đặc biệt với các lao động nữ
Hay trường hợp của chị Hoàng K.H làm việc tại một doanh nghiệp nhỏ, mặc dù doanh nghiệp này hiện nay đang kinh doanh tốt nhưng vẫn chậm lương nhiều tháng nên chị bức xúc xin chuyển sang một công ty khác. Khi xin nghỉ việc thì chị mới biết, mình không có sổ bảo hiểm, mặc dù suốt thời gian làm ở đây vẫn đều đặn bị trích lương để đóng BHXH. Tuy nhiên, một phần do khi ký hợp đồng lao động, chị đã không để tâm nhiều đến việc này, cứ nghĩ rằng đó là điều đương nhiên; mặt khác, chị cũng chẳng biết phải làm thế nào để đòi lại số tiền mà hằng tháng chị vẫn đóng, cho rằng có kiện cũng chỉ là "kiện của khoai"...
Đến nay đầy rẫy doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động kiểu này vẫn "vô tư", không bị pháp luật xử lý nhờ những người nhẹ dạ và cam chịu như chị H.N và K.H. Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp người lao động "com cóp cho cọp nó xơi".
Hằng ngày trên các phương tiện truyền thông vẫn xa xả nói đến việc trốn BHXH của doanh nghiệp, rằng người lao động phải biết cách đấu tranh đòi quyền lợi BHXH cho mình, ai cũng biết vậy, nhưng thực tế là người lao động ở doanh nghiệp không có cách nào biết được rằng đơn vị mình có đóng bảo hiểm hay không, nếu đơn vị cố tình che giấu.
Lách luật giảm đóng BHXH
Cùng với tình trạng trốn đóng BHXH thì một vấn đề "nan giải" khác cũng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động đang bị các doanh nghiệp lợi dụng, đó là tình trạng doanh nghiệp lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Để giảm bớt mức đóng BHXH của người lao động, doanh nghiệp đã lách luật khi tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp khác nhằm giảm mức lương trên hợp đồng với người lao động, đồng nghĩa với việc giảm chi phí đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Mức đóng BHXH thấp dẫn tới các chế độ bảo hiểm như ốm đau, thai sản cũng như mức lương hưu trong tương lai sẽ thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. "Đây là một thực tế mà gần như đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thâm dụng lao động đều vi phạm, người lao động và cả cơ quan quản lý đều biết", ông Lợi nhận xét.
Lý giải về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, hiện số tiền BHXH mà doanh nghiệp phải đóng được tính trên mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động ký giữa doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng, doanh nghiệp đều thỏa thuận với người lao động sẽ hạ mức tiền lương trong hợp đồng xuống mức tối thiểu (chỉ cao hơn khoảng 10% so với lương tối thiểu để tránh vi phạm Bộ luật Lao động) và bù thu nhập cho nhân công bằng các loại phụ cấp khác như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp xăng xe...
Do áp lực cần việc làm, dù đa phần lao động đều biết như vậy mức đóng BHXH sẽ thấp, ảnh hưởng đến các quyền lợi của mình nhưng vẫn phải chấp nhận.
"Chính vì vậy, dù cơ quan quản lý đều biết, nhưng rất khó xử lý bởi nếu chiểu theo luật, doanh nghiệp hoàn toàn không vi phạm" - Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết - để giảm bớt tình trạng này, người lao động khi ký kết hợp đồng lao động phải chặt chẽ trong thỏa thuận tiền lương. Bên cạnh đó, phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức công đoàn khi xây dựng thỏa ước lao động tập thể nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của lao động.
Biện pháp ngăn chặn nữa, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, đó là phải sớm sửa đổi luật BHXH, làm sao để tính mức đóng BHXH bắt buộc của doanh nghiệp dựa trên tổng mức chi trả của doanh nghiệp cho mỗi lao động, thay vì chỉ dựa vào mức lương trên hợp đồng. Đồng quan điểm, ông Đặng Như Lợi cho rằng, trên thực tế, các loại phụ cấp doanh nghiệp trả cho người lao động về bản chất đều là chi phí tiền lương và phải được tính vào chi phí đầu vào của sản xuất, cộng vào giá thành sản phẩm. Như vậy, chi phí BHXH bắt buộc phải được tính trên tổng mức thu nhập thay vì trên mức tiền lương của hợp đồng, doanh nghiệp sẽ "hết cửa" để lách luật. Cái khó, không phải là tìm ra giải pháp, khó nhất là các cơ quan quản lý có muốn làm quyết liệt hay không. "Bởi thực tế Việt Nam vẫn đang thu hút đầu tư bằng lợi thế chi phí lao động rẻ, nếu làm quyết liệt, lợi thế này có thể bị ảnh hưởng" ông Đặng Như Lợi nhận xét.
Trên thực tế việc nợ BHXH, BHYT ngày một gia tăng với những "biến thể" khó xác định và hệ lụy của nó là hàng trăm, hàng nghìn người lao động không được hưởng quyền lợi chính đáng của mình về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Mặc dù, phần đông người lao động đã thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, nhưng phía sử dụng lao động lại lạm dụng tiền đóng bảo hiểm của người lao động để đầu tư cho việc khác. Một thực tế khác là cơ quan chức năng vẫn rất thiếu kiên quyết và hình phạt đối với "tội bất tín" này hẳn chưa đủ sức răn đe.
Diệu Thuần
0 nhận xét:
Đăng nhận xét