Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

5 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

(HNM) - Doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), không rà soát được đối tượng tham gia BHTN, đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp thưa thớt... Đó là những bất cập, vướng mắc, trở thành đề tài bàn luận sôi nổi, với hàng chục ý kiến đóng góp, đề xuất trong hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chính sách BHTN mà Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 10-10.

Bộc lộ nhiều bất cập

Tính đến hết tháng 9-2013, toàn quốc có khoảng 1,3 triệu lượt người đăng ký thất nghiệp. Cụ thể, năm 2010 có gần 190.000 người; năm 2011 có 334.000 người; năm 2012 có 483.000 người; 9 tháng năm 2013 có 371.000 người. Số NLĐ thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, kinh tế phát triển, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 30%; Bình Dương chiếm khoảng 20%; Đồng Nai chiếm 10%... Trong khi đó, theo BHXH Việt Nam, hiện có khoảng 8,3 triệu NLĐ tham gia đóng BHTN. Như vậy, với 1,3 triệu/8,3 triệu NLĐ đăng ký thất nghiệp thì tỷ lệ gần 1/7 số NLĐ hiện đang thất nghiệp là điều đáng lo ngại.

Tuy nhiên, ngay cả với những NLĐ bị mất việc làm, việc trau dồi, bổ sung kiến thức nghề với họ là quá xa vời. Họ chấp nhận mất nhiều thời gian tìm việc làm ở khắp các DN nhưng ngại bỏ ra khoảng thời gian từ 3-6 tháng để học nghề, dù có sự hỗ trợ của nhà nước. Vì vậy, dù thống kê cho thấy số NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề có tăng qua từng năm nhưng so với số người thất nghiệp thì chỉ như "muối bỏ biển". Cụ thể: Năm 2010 có 270 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; năm 2011 có 1.036 người; năm 2012 có 4.776 người; 9 tháng năm 2013 có 7.519 người học nghề. Điều này có nghĩa, gần 5 năm chính sách BHTN đi vào cuộc sống, chỉ có 13.601 NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề trong tổng số 1,3 triệu lượt người thất nghiệp.

Bên cạnh đó, lo ngại nhất là tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHTN của các DN. Đến hết tháng 6-2013, số nợ là 555 tỷ đồng, chiếm 48,9% tổng nợ. Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc nợ đọng kéo theo nhiều phức tạp. Một số DN trích tiền BHTN của NLĐ qua tiền lương hằng tháng nhưng không đóng cho cơ quan BHXH, nên khi NLĐ muốn chốt sổ BHXH gặp rất nhiều khó khăn. Một số DN do muốn giữ chân NLĐ hoặc việc thực hiện pháp luật BHXH sơ sài nên việc tiến hành các thủ tục chốt sổ BHXH chậm chạp, gây bức xúc cho NLĐ. Nhiều DN trốn đóng BHTN bằng cách "lách" luật như chỉ ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với NLĐ dưới 12 tháng để không phải đóng BHTN cho NLĐ. Theo ông Lê Quang Trung, chính vì DN cố tình trốn đóng BHTN nên không thể xác định được cụ thể số DN và NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN. Có tình trạng này phần lớn là do lực lượng thực hiện chính sách còn chưa chặt chẽ và rà soát chưa nghiêm, các quy định về xử lý vi phạm BHTN còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Để BHTN trở thành chính sách an sinh xã hội

BHTN là một trong những chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, những người làm công tác BHTN cho rằng chính sách này vẫn chưa phát huy được hiệu quả, cụ thể là mới chỉ thể hiện việc tạm thời thay thế trợ cấp thôi việc hoặc mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc hạn chế đối tượng tham gia thể hiện sự phân biệt giữa DN với DN, giữa NLĐ với NLĐ. Đại diện các sở LĐ-TB&XH các tỉnh đều cho rằng, nếu chính sách BHTN được áp dụng thống nhất sẽ tốt hơn nhiều so với trợ cấp thất nghiệp riêng lẻ của từng DN, nhất là những DN nhỏ hay đang gặp khó khăn về tài chính mà đặc biệt là trong tình hình kinh tế khủng hoảng như hiện nay. Các ý kiến khác cũng đề xuất cần mở rộng đối tượng tham gia BHTN, cụ thể là áp dụng cho cả NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, áp dụng cho DN có sử dụng lao động. Về mức trợ cấp thất nghiệp, với quy định 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp là không bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho NLĐ thất nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm hơn nữa quyền lợi của NLĐ.

Về việc tư vấn học nghề cho NLĐ thất nghiệp, có rất nhiều ý kiến tâm huyết. Đa phần NLĐ thất nghiệp chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp, còn tham gia học nghề với họ là quá xa vời. Về cơ bản, NLĐ thất nghiệp chỉ được đào tạo những nghề thuộc trình độ sơ cấp. Hơn nữa, chi phí học nghề thấp, các DN thường xuyên tuyển lao động phổ thông (nhiều DN tuyển dụng rồi về đào tạo tại chính DN), trong khi mức chênh lệch tiền lương giữa lao động phổ thông và lao động qua đào tạo nghề không nhiều. Về tâm lý, NLĐ sợ mất thời gian vào học nghề mà hiệu quả không cao, chính sách lại không bắt buộc tham gia. Ông Lê Tiến Đạt - Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đề nghị cần bổ sung vào mục 2, Điều 49 BHTN cụm từ "bắt buộc phải tham gia" học nghề vì nhóm NLĐ dễ mất việc làm và yếu tay nghề chính là nhóm NLĐ phổ thông. Cùng với đó, tại khoản 2, Điều 65 Dự thảo Luật Việc làm cần cụ thể hóa các quy định về hành vi vi phạm pháp luật thủ tục BHTN....

Từ khoá: việc làm gia tiền bảo hiểm bhtn lao động luật việc làm bão bhxh bảo hiểm thất nghiệp quy định chính sách trợ cấp hợp đồng bộ luật lao động đào tạo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . Tin tuc hot online, Tin nong trong ngay - Posts · Comments
Theme Designed by tintuchotonline