Các chuyên gia giao thông cho rằng cần phải cấp biển số cho xe đạp điện và xe máy điện để có cơ sở xử lý vi phạm và xác định người điều khiển phương tiện.
Những chiếc xe máy điện loại không bàn đạp, có thể đạt tốc độ tối đa 40km/h. Ảnh: Bá Đô |
Thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong số những xe chạy điện đang được sử dụng có đến 70% là xe máy điện và 30% là xe đạp điện. Trong khi đó, căn cứ vào các quy định hiện hành thì xe máy điện phải tuân thủ các quy định như xe máy dưới 50cm3 là phải có đăng ký, đăng kiểm, quy định về độ tuổi cho người điều khiển, đội mũ bảo hiểm khi vận hành... Đối với xe đạp điện phải giới hạn tốc độ tối đa và khi tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
Tuy nhiên, một trong số những quy định này đang bị bỏ ngỏ, khiến tình trạng xe máy điện, xe đạp điện lưu thông và vi phạm tràn lan trên đường và khó kiểm soát.
Nghị định 71/2012/NĐ-CP (điều 1, khoản 2, mục 3, điểm i) ban hành ngày 19/9/2012 quy định: xe máy điện thuộc phương tiện giao thông cơ giới (quy định tại điều 3, khoản 18, Luật Giao thông đường bộ), khi hết điện, không thể đạp pê-đan cho xe chạy được như xe đạp điện. |
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng cảnh sát giao thông - Công an Hà Nội cho rằng, hiện nay tình trạng học sinh đua xe điện, lạng lách đánh võng khá phổ biến. Qua nhiều đợt cao điểm xử phạt học sinh không đội mũ bảo hiểm, đã có cả trăm trường hợp bị xử lý.
Tuy nhiên theo đại tá Thắng, việc xử lý học sinh rất khó vì các cháu thường nói dối tên, xin xỏ để không bị giữ xe. Thậm chí qua thông báo của Sở Giáo dục Hà Nội, trong 52 giấy báo vi phạm gửi về trường thì chỉ có 2 học sinh khai tên thật khi vi phạm giao thông.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, hiện nay, tại các thành phố lớn, lực lượng chức năng rất khó phân biệt đâu là xe máy điện, đâu là xe đạp điện. Thậm chí nhiều người đi xe cũng không quan tâm và không cần biết mình có cần đội mũ bảo hiểm, xe có phải đăng ký không.
Theo ông Hiệp cần phải phân biệt rõ khái niệm về xe đạp điện và xe máy điện để từ đó có những biện pháp, khuyến cáo đối với người sử dụng và công tác quản lý được rõ ràng.
Để giải quyết thực trạng trên và việc quản lý xe đạp điện được dễ dàng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc nhà nước cấp biển số là cần thiết, nó sẽ giúp người dân kiểm soát tài sản, đề phòng mất cắp; vào bãi gửi xe có cái để ghi nhận. Với Nhà nước sẽ thuận tiện trong xác định cơ sở xử lý vi phạm, xác định người điều khiển phương tiện...
Tiến sĩ Thủy cũng cho hay, việc phân biệt rạch ròi xe máy điện và xe đạp điện hiện nay là khó khả thi."Về mặt kỹ thuật, 2 phương tiện này có nguyên lý hoạt động giống nhau. Bộ GTVT nên gộp 2 loại phương tiện này làm một và có chế tài quản lý, xử lý vi phạm giống như xe máy".
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng cảnh sát giao thông - Công an Hà Nội cho rằng, hiện nay tình trạng học sinh đi xe điện đua xe, lạng lách đánh võng khá phổ biến. Ảnh:Nguyễn Thắng |
Trước thông tin, có thể xe đạp điện được cấp biển số, một số nhân viên trông giữ xe trên phố Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, nơi tập trung nhiều trường học tỏ ra vui mừng và đồng tình. "Hàng ngày có cả trăm chiếc xe, nếu có biển số như xe máy thì chẳng phải ghi số nhằng nhịt lên yên xe đạp điện và việc kiểm soát xe cũng dễ hơn, hay trường hợp xấu nhất như bị mất xe, dựa vào biển số, số khung số máy cũng sẽ có căn cứ để tìm", anh Đỗ Bá Sơn, nhân viên trông xe trên phố Phan Chu Trinh chia sẻ.
Theo anh Sơn, hàng ngày có cả trăm chiếc xe đạp điện, nhiều xe giống nhau cả về hình thức lẫn kiểu dáng được gửi ở bãi, thậm chí có học sinh còn nhận nhầm xe, nên việc lắp biển số sẽ thuận lợi rất nhiều cho cả chủ phương tiện, người trông xe hay lực lượng chức năng giải quyết các vụ vi phạm, tai nạn giao thông.
Đồng tình với phương án này, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ việc đăng kí cho xe đạp điện sẽ thuận lợi cho quản lý của nhà trường và các cơ quan chức năng, hơn nữa có căn cứ để truy tìm những trường hợp gây tai nạn bỏ xe chạy hoặc trường hợp bị mất xe. Tuy nhiên, một số phụ huynh cũng lo ngại vì phần lớn các em đều dưới 18 tuổi, nên việc đăng kí gặp khó khăn. Theo đó nếu phụ huynh đi mua xe cho con sẽ buộc phải đứng tên mình.
Là người trực tiếp xử lý những trường hợp vi phạm tại ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay, trung úy Trương Văn Phương, đội cảnh sát giao thông số 1 - phòng CSGT Hà Nội choVnExpress.net biết: "Với những người đi xe đạp điện như hiện nay là rất khó xử lý. Phần lớn với các em học sinh dưới 18 tuổi, khi phát hiện vi phạm tổ tuần tra chủ yếu nhắc nhở. Còn có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tổ tuần tra thường xuyên phải kiểm tra tên tuổi, địa chỉ qua quyển vở ghi chép của các em, nên cũng rất khó để xác minh chính xác".
Trung úy Phương cho rằng vệc cấp biển số, đăng kí cho xe đạp, xe máy điện là cần thiết, giúp cho việc xác định tên tuổi, xử lý người vi phạm dễ dàng hơn. Tuy nhiên hiện nay hầu hết xe đạp điện không có số khung số máy, màu sắc không đồng nhất nên việc cấp đăng kí cần phải có thời gian.
Trong cuộc họp vào đầu tháng 10, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Người tham gia giao thông bằng xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm và phương tiện này phải được quản lý chặt chẽ hơn. Xe máy điện phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành đối với xe cơ giới. Bộ trưởng Thăng cũng giao Vụ Khoa học công nghệ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam hoàn thiện Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, trình lãnh đạo Bộ ngay trong tháng 10/2013; Hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện. Vụ An toàn giao thông chủ trì, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo thông tư quy định tốc độ tối đa của xe đạp điện dưới 25km/h. Đối với xe máy điện, Bộ GTVT sẽ quy định phải đăng ký, cấp biển số giống như xe máy chạy bằng động cơ xăng. |
Bá Đô
0 nhận xét:
Đăng nhận xét