ANTĐ - Khí thế sôi nổi tái cơ cấu nền kinh tế ngay từ đầu năm, đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định quyết tâm: Phải làm bằng được kế hoạch cổ phần hóa đã phê duyệt. Lãnh đạo doanh nghiệp nào không thông, chần chừ thì mời làm việc khác, nhưng không bố trí làm cao hơn. Thủ tướng nhấn mạnh phải làm quyết liệt, đồng thời rà soát tiếp để bổ sung thêm số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong hai năm 2014-2015 theo tiêu chí mới. Giảm mạnh hơn nữa số doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% và giữ cổ phần chi phối.
Để đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, một tư duy mới mang tính đột phá của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi là quy định thành lập một cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu không thành lập cơ quan này thì không thể tách bạch được quyền chủ sở hữu với các chức năng khác. Nghĩa là phải có một người nào đó chịu trách nhiệm giải trình trước Nhà nước, trước người dân về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, để sau này ai làm sai, kinh doanh thua lỗ, mất vốn thì cứ "gõ đầu" người này mà trị.
Nguyên nhân là quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước chưa rõ ràng, bị phân tán và chia cắt nên không có trách nhiệm giải trình cụ thể. Vị quyền Viện trưởng chỉ rõ, khi xảy ra vấn đề gì thì không biết "gõ" ai bởi cơ chế quá tù mù, thậm chí gây nên nguy cơ lạm dụng quyền lực rất lớn do không thể giám sát được. Vì thế phải giám sát thống nhất, không thể chia cho bộ này, ngành kia theo kiểu Bộ Kế hoạch-Đầu tư quản lý doanh nghiệp đầu tư, Bộ Tài chính quản lý doanh nghiệp tài chính.
Có ý kiến lo ngại rằng trước kia một bộ quản lý vài doanh nghiệp Nhà nước đã không xuể, nay lập một cơ quan quản lý liệu có khả thi? Thực ra, mô hình này không có gì mới mẻ, nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu. Vấn đề là, khi trách nhiệm giải trình đã rõ ràng, thị trường đánh giá làm ăn hiệu quả hay thua lỗ, thì người đứng đầu chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm. Đã làm kinh doanh thì chỉ áp dụng thuần túy cơ chế thị trường, không làm được thì phải bị đào thải, không chỉ doanh nghiệp mà cả con người. Không hoàn thành nhiệm vụ thì phải từ chức, bị miễn nhiệm, xử lý. Bài học kinh doanh thua lỗ, sai phạm của Vianashin, Vinalines đã chỉ rõ, phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, phải cạnh và công khai minh bạch, Nhà nước không nâng đỡ gì cả. Thậm chí, nếu không nộp được thuế, bảo hiểm thì các cơ quan Nhà nước có thể kiện doanh nghiệp ra tòa yêu cầu phá sản, bán tài sản để trả nợ. Một nền kinh tế thị trường bình đẳng, không thể chấp nhận doanh nghiệp Nhà nước không nộp được thuế, bảo hiểm thì Nhà nước lại cho gia hạn, không xuất khẩu được thì giảm thuế, không trả được nợ thì khoanh lại, treo nợ...
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ. Muốn đột phá, cổ phần hóa doanh nghiệp theo cơ chế thị trường thì không còn con đường nào khác là phải có một tư duy mới, khung quản trị hiện đại gắn với con người và cơ chế mới. Nói ngắn gọn là phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, phải quyết liệt làm bằng được.
Đan Thanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét