PVN, EVN sẽ "đoạn tuyệt" với bất động sản?
Văn Nam
Sắp tới EVN sẽ không được đầu tư vào bất động sản để dốn vốn cho sản xuất kinh doanh điện - Ảnh: TG. |
(TBKTSG Online) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo quy chế quản lý tài chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Điểm chung của hai dự thảo này là sắp tới PVN và EVN sẽ không được góp vốn vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
>> EVN quay về ngành nghề chính
>> PVN thoái hơn 5.000 tỉ đồng đầu tư ngoài ngành
Theo thông tin mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có được từ hai tập đoàn này, tổng vốn đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm ... của PVN lên đến 5.008 tỉ đồng, còn của EVN là khoảng 1.100 tỉ đồng.
Theo dự thảo quy chế quản lý tài chính và quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác của PVN, một trong các nguyên tắc đầu tư là PVN không được góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc đầu tư các dự án bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với khoản vốn đã góp, đầu tư tại các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, PVN có trách nhiệm lập phương án cơ cấu lại và thoái hết số vốn đã đầu tư theo quy định.
Trước đó, tại cuộc họp báo về tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2013 của PVN diễn ra tháng 10-2013, Chủ tịch PVN Phùng Đình Thực cho biết PVN đã có phương án sắp xếp các công ty con với kỳ vọng đến 2015 sẽ thoái toàn bộ 5.008 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài ngành ở các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản.
Tuy nhiên, ông Thực thừa nhận với tình hình kinh tế khó khăn chung hiện nay, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của PVN là không dễ dàng. PVN đang nỗ lực rút hết vốn đầu tư ngoài ngành ở các công ty con, không thành lập thêm công ty cấp 4 nào nữa thời gian tới.
PVN chỉ còn tập trung đầu tư vào 5 lĩnh vực chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, lọc hóa dầu; sản xuất khí; điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Tất cả các đơn vị trực thuộc tập đoàn hiện đang sắp xếp lại theo định hướng này.
Theo lộ trình tái cơ cấu PVN được Chính phủ phê duyệt tháng 1-2013, từ nay đến 2015 PVN sẽ thoái hết vốn tại 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Khu công nghiệp Lai Vu; Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
*
Trong khi đó, dự thảo về quy chế quản lý tài chính EVN đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến cũng quy định EVN không được phát hành trái phiếu để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.
Mới đây nhất, ngày 20-12-2013, EVN cũng thoái xong 252 tỉ đồng vốn đầu tư tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) thông qua việc chuyển nhượng 25,2 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO). Hiện EVN còn nắm giữ 16,02% vốn điều lệ của ABBank (tương tương khoảng 76,8 triệu cổ phiếu). Tổng vốn góp của EVN vào ABBank trước đây là 775 tỉ đồng.
EVN cho biết theo lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 đã được Chính phủ phê duyệt tháng 11-2012, đến hết năm 2015 EVN phải hoàn thành việc thoái hết vốn tại ABBank. Đồng thời, tập đoàn này cũng phải thoái hết vốn đã đầu tư tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán ... để dồn vốn cho ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh điện.
Ngoài ABBank, EVN hiện đầu tư vào nhiều công ty khác như Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (EVN góp 125 tỉ đồng), Công ty Tài chính điện lực và góp 103 tỉ đồng vốn vào hai công ty bất động sản là Sài Gòn Vina và Điện lực miền Trung.
Tổng số vốn EVN đã đầu tư ngoài ngành vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm khoảng 1.100 tỉ đồng.
Thời gian qua, việc đầu tư kinh doanh ngoài ngành đã khiến EVN lỗ nặng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho thôi chức chủ tịch hội đồng thành viên EVN đối với ông Đào Văn Hưng do việc đầu tư thua lỗ tại Công ty viễn thông điện lực (EVN Telecom).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét