Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Nỗi ám ảnh phố Wall trở thành hiện thực

Ngày 10.12.2013 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tái cấu trúc hệ thống tài chính Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi 5 tổ chức là Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED), Cơ quan Giám sát Tiền tệ, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên Bang, Ủy ban Chứng khoán Mỹ và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai của Mỹ đã đồng loạt thông qua quy tắc Volcker. Nội dung cơ bản nhất của quy tắc này là nhằm ngăn cấm giới ngân hàng Mỹ thực hiện các biện pháp tự doanh, một hình thức các ngân hàng sử dụng chính tiền của mình để đầu tư.

Như vậy hơn 3 năm kể từ khi được Quốc hội Mỹ đề nghị gộp vào đạo luật cải cách Phố Wall tổng thể mang tên Dodd- Frank và sau nhiều lần điều chỉnh, ý tưởng của cựu Thống đốc FED Paul Volcker cuối cùng đã trở thành hiện thực với 71 trang hướng dẫn thực hiện và 892 trang giải thích kèm theo.

Trong quá khứ, doanh thu các ngân hàng kiếm được chủ yếu thông qua các khoản cho vay, bảo hiểm và tư vấn. Tuy vậy trước khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, tự doanh đã nổi lên trở thành công cụ đầu tư đầy hấp dẫn cho các ngân hàng với những khoảng lợi nhuận kết xù. Nhưng chính nó cũng mang lại những rủi ro không nhỏ cho hệ thống tài chính Mỹ cũng như tổng thể nền kinh tế như thực tế đã chứng minh.

"Quy tắc Volcker sẽ giúp nền kinh tế ổn định hơn nhờ việc phục hồi niềm tin vào hệ thống ngân hàng", cha đẻ của quy tắc này Paul Volcker nói.

Ngoài việc cấm tự doanh, quy tắc Volcker vẫn cho phép ngân hàng tiến hành tạo lập thị trường mà theo đó họ sẽ mua và bán cổ phiếu, trái phiếu dựa trên nhu cầu của khách hàng.

Nó sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư tự phòng vệ của các ngân hàng vốn cũng mang lại những rủi ro lớn như trường hợp thua lỗ hơn 6 tỉ USD của JPMorgan vào năm 2012 khi đầu tư các sản phẩm phái sinh. Quy tắc Volcker cũng áp đặt các giới hạn đầu tư vào các quỹ phòng vệ và quỹ đầu tư cá nhân cũng như công bố những yêu cầu tuân thủ nghiêm khắc hơn đối với hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, quy tắc dài gần 900 trang này cũng nói phần nào sự phức tạp khi triển khai. Vì ngoại trừ những trường hợp đầu tư đơn giản, sẽ thật khó để xác định đâu là sự khác biệt giữa các loại hình đầu tư, tức giữa tự doanh với phương thức mua - bán tạo lập thị trường hay các hình thức đầu tư để phòng vệ và đây là điều khiến giới ngân hàng hiện rất đau đầu.

"Tôi đã ngồi ở giữa phòng giao dịch được 28 năm và thật khó khăn để phân biệt đâu là các giao dịch tự doanh, đâu là các giao dịch tạo lập thị trường", Thomas Strauss, Phó Chủ tịch của Công ty Cowen Group, đánh giá.

Ngoài việc khó khăn trong việc xác định đặc điểm tuân thủ, một khía cạnh khác khiến giới tài chính phải đau đầu đối phó là thiệt hại từ việc tuân thủ quy tắc này. Theo ước tính của Công ty Xếp hạng Tín dụng Standard & Poor's, 8 ngân hàng lớn nhất của Mỹ có thể mất đi 10 tỉ USD lợi nhuận trước thuế do doanh thu giảm từ các hoạt động kinh doanh và tốn thêm chi phí phải tuân thủ luật.

Goldman Sachs Group bị đánh giá sẽ chịu thiệt hại nặng nhất bởi quy tắc này. Vì tỉ trọng các hoạt động đầu tư và giao dịch trong tổng doanh thu của nó lớn hơn so với các đối thủ khác.

Ví dụ, theo tính toán của FBR Capital Markets, khoảng 25% doanh thu hằng nằm của Goldman Sachs sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy cùng với thực trạng kinh doanh khó khăn chung của thị trường tài chính hiện nay, quy tắc này tiếp tục sẽ giáng thêm một cú đấm thép vào tham vọng của các nhà tài phiệt Phố Wall.

Nhưng liệu quy tắc Volcker sẽ hiệu quả trong bao lâu? Câu trả lời có thể là có trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, điều này không có gì là chắc chắn.

Các nhà tài phiệt Phố Wall luôn được xem là những người cực kỳ thông minh. Khả năng vận động hành lang đối với các chính phủ và quốc hội, cùng những những kỹ năng tìm lỗ hổng của luật lệ để lách luôn là sở trường của các nhà tài chính Phố Wall.

Sau cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933 kéo theo sự sụp đổ của gần 5.000 ngân hàng, đạo luật Glass - Steagall đã được thông qua nhằm ngăn cấm ngân hàng thương mại tiến hành các hoạt động đầu tư đầy rủi ro. Tuy vậy, theo thời gian cùng với tác động muốn thay đổi từ Phố Wall, đạo luật này cũng tàn lụi dần và kết thúc 1999, đánh dấu một thời kỳ bùng nổ tăng trưởng dữ dội sau đó của thị trường tài chính Mỹ nhưng được xem là mầm mống gây ra cuộc khủng hoảng khủng khiếp 9 năm sau đó. Do đó, không có gì đảm bảo quy tắc Volcker sẽ không lặp lại số phận tương tự.

Ngoài ra, tính kiểm soát thực thi quy tắc này cũng là dấu hỏi lớn. Khi nền kinh tế bùng nổ trở lại, khủng hoảng lùi vào dĩ vãng thì các nhà làm luật có thể sẽ dành ít sự quan tâm hơn đến việc theo dõi sức khỏe của hệ thống tài chính. Một khi việc giám sát không diễn ra thường xuyên, các nhà điều hành chính sách sẽ khó theo kịp tốc độ phát triển của thị trường trong khi các ngân hàng luôn có thừa khả năng để hạn chế tầm ảnh hưởng của các luật lệ muốn kiểm soát họ. 

(Tổng hợp)

Từ khoá: tài chính khủng hoảng bảo hiểm tiền thị trường tài chính kinh tế quy tắc thị trường ngân hàng khó khăn bảo hiểm tiền gửi doanh thu tái cấu trúc nền kinh tế bão nhu cầu của khách hàng khủng hoảng tài chính

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . Tin tuc hot online, Tin nong trong ngay - Posts · Comments
Theme Designed by tintuchotonline