Giúp công nhân lao động nhập cư nắm được các quy định pháp luật, giúp họ tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình là một trong những điều cần thiết nhằm hỗ trợ công nhân đồng thời tạo môi trường ổn định, hài hòa trong doanh nghiệp.
Bài 1: Công nhân - "di" mà không "nhập"
Công nhân ở các khu công nghiệp hiện đang chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều quyền lợi hợp pháp của họ không được thực hiện, thậm chí vì thiếu thông tin nên họ cũng không biết đến.
Trong căn phòng trọ cấp 4 lợp proximăng rộng chưa đầy 12 m2 tại thôn Yên Lạc (xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), Trần Thị Phúc (SN 1990, quê Quỳ Hợp, Nghệ An) đang trọ cùng hai nữ công nhân khác cùng làm ở Công ty Điện tử Sam Sung. Căn phòng tuềnh toàng, đồ đạc chỉ một chiếc giường gỗ, hòm quần áo, chiếc bếp gas nhỏ cùng giá nhựa để bát đĩa.
Một buổi tập huấn kiến thức về Luật Lao động. |
"Lương của em lúc đầu chỉ 2,8 triệu, nay đã gần 4 triệu đồng/tháng, nhưng thuê trọ đã 700.000 đồng, điện giá 3.000 đồng/số; nước 20.000 đồng/tháng, cùng một số chi phí khác. Em không để dành được nhiều" - Phúc tâm sự.
Công ty của Phúc đã xây ký túc xá, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng ¼ tổng số công nhân. "Em không được ở ký túc xá. Ở đây, muốn ra trung tâm thị trấn huyện phải đi 10 cây số, nhưng chúng em chỉ có xe đạp nên cũng ngại đi. Đi làm ca về chủ yếu nằm ôm... điện thoại di động. Cả xóm trọ, chẳng phòng nào có ti vi".
Tại Tiên Động (Tứ Kỳ, Hải Dương), vợ chồng anh công nhân Nguyễn Văn H. (công nhân khu công nghệp Đại An) đang thuê trọ. Có những ngày cả hai vợ chồng vào ca, phải nhờ người trong xóm đưa đón con đi học. "Thu nhập không cao, điều kiện làm việc không thuận lợi, việc lo ăn học cho con cái rất vất vả - anh H. tâm sự.
Tại Kiên Thành (Gia Lâm, Hà Nội), chị Lan, một nữ công nhân quê Phú Thọ kể lại: "Khi mới đến, vì là người đi ở trọ, nên con tôi không có suất trong các trường công của địa phương, mà trường tư thì tiền học đắt quá, không đủ tiền cho con đi học". Nhưng chị Lan tự thấy mình may mắn, vì năm đó, sau khi trường nhận hết con em có hộ khẩu địa phương, thì còn thừa vài chỉ tiêu, và con chị đã được đi học. "Chúng tôi được cho con em đi tiêm phòng hay làm sổ khám bệnh với điều kiện có quyển sổ tạm vắng tạm trú. Nhưng không phải người ở trọ nào cũng dễ dàng có được quyển sổ này, ví dụ trường hợp chị Cúc bạn tôi, đã ở trọ được vài năm mà con cái không được đi học gần, không được tiêm phòng ngay tại tổ dân phố, phải đi sang xã khác" - chị Lan cho biết.
"Trên truyền hình có chiếu cảnh những em nhỏ bị bảo mẫu hành hạ, là mẹ, chúng tôi rất xót xa. Hầu hết cha mẹ các em là những người như chúng tôi, không đủ thủ tục cho con vào trường công, không đủ tiền cho con học trường tư, nên mới phải gửi con vào những nhóm trẻ tự phát như vậy" - chị Hoa, một nữ công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) than thở.
Tình trạng "di mà không nhập" là khá phổ biến tại các khu công nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội đánh giá. Người lao động di chuyển từ quê nhà lên, nhưng nhập cư chẳng dễ dàng, kéo theo rất nhiều quyền lợi khác về học hành của con cái, dịch vụ y tế... không được đảm bảo.
"Chúng tôi mới hoàn thành một nghiên cứu về các vấn đề của người lao động ở các khu công nghiệp"- bà Lan Hương cho biết. Cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu lao động nhập cư. Tại các khu công nghiệp lớn, tỷ lệ lao động nhập cư có thể lên tới 80%. Đại đa số công nhân khu công nghiệp sống tại các nhà cấp 4, tồi tàn, với điều kiện nước sạch hết sức khó khăn.
Đặc biệt, con của các công nhân khó được tiếp cận dịch vụ giáo dục công ích của địa phương, vì các chính sách quản lý gắn với hộ khẩu.
"Chương trình phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất từ 2011- 2015 của nước ta không nhắc đến vấn đề hạ tầng xã hội, trong khi các nước khác khi xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, luôn đặt vấn đề hạ tầng lên đầu tiên" - bà Lan Hương nhận xét.
Đời sống khó khăn, công nhân nhiều khu công nghiệp không có điều kiện để tiếp cận thông tin để hiểu về những quyền lợi chính đáng của mình. Luật sư Đỗ Ngân Bình (Hà Nội) nhận xét: Kiến thức pháp luật của người lao động rất hạn chế. Nếu không có các phương pháp tuyên truyền phù hợp thì họ khó lòng hiểu, vận dụng và yêu cầu quyền lợi cho mình. Thiếu thông tin, thiếu kỹ năng và nhất là không nắm được thủ tục, trình tự để tự bảo vệ mình, nhiều công nhân khu công nghiệp đành chấp nhận thiệt thòi.
Chính vì vậy khi sản xuất của doanh nghiệp thu hẹp lại do kinh tế kém phát triển, một lượng không nhỏ người lao động nghỉ việc, về làng. Dù đã có chương trình bảo hiểm thất nghiệp, nhưng vẫn còn đó làn sóng người lao động rời khu công nghiệp trở về mà không có "giá đỡ" do không tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cũng có không ít công nhân bị doanh nghiệp "trốn bảo hiểm", lúc biết ra thì đã trắng tay sau nhiều năm tháng cực nhọc xa nhà.
Mạnh Minh - Thùy Hương
Bài 2: Nhiều sáng kiến giúp công nhân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét