Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Đảng viên chết bằng trò trấn nước vì điều tra tham nhũng: TQ cấm bức cung,dùng nhục hình

Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên bố các cơ quan điều tra cần phải chấm dứt hành vi tra tấn, bức cung nghi can, điều chứng tỏ cơ quan điều tra đã thực hiện những hành vi này.

Đảng viên chết bằng trò trấn nước vì điều tra tham nhũng: TQ cấm bức cung, dùng nhục hình

Nhóm bác sĩ pháp y mổ tử thi Ô

Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Tòa án tối cao (TATC) ngày 21.11.2013: "Cần phải loại bỏ khẩn cấp hành vi tra tấn để ép cung, cũng như việc sử dụng các biện pháp bất hợp pháp như bỏ đói, mặc rét, bắt phơi nắng, gây mệt mỏi cùng các biện pháp phi pháp… nhằm buộc nghi can phải khai nhận tội" .

TATC cũng công bố những quy định chặt chẽ hơn trong các vụ án có án tử hình: các bằng chứng trong những phiên tòa này phải thật rõ ràng, và chỉ các thẩm phán có kinh nghiệm mới được xử các vụ này.

Trước đây, nhiều tổ chức quốc tế thường xuyên chỉ trích cơ quan điều tra TQ lạm dụng hành vi tra tấn để ép cung, buộc nghi can phải đưa ra lời khai dù có thật hay không. Nhiều phạm nhân đã bị buộc phải nhận tội dù phiên tòa chưa diễn ra.

"Nghi can chết lúc đang tắm' !

Ngày 4. 9.2013, vấn nạn cơ quan điều tra TQ tra tấn nghi can nổi lên, sau khi 6 cán bộ - điều tra bị khởi tố gồm 5 người thuộc Ủy ban kỷ luật Đảng (CCDI, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc -CPC) bị khởi tố về cái chết của Ô Kỳ Nhất, kỹ sư trưởng tại Tập đoàn đầu tư công nghiệp nhà nước Ôn Châu.

Theo báo Thời Đại Bắc Kinh, 6 cán bộ này bị buộc tội cố ý gây thương tích cho người khác.

Cáo trạng nêu Ô 42 tuổi là đảng viên, bị bắt từ đầu tháng 3 do bị nghi "lem nhem" trong một vụ giao dịch bất động sản. Ô đã bị 6 cán bộ lột trần truồng, nhấn đầu vào một bồn nước "đầy đá lạnh" nhiều lần sau khi họ không thể buộc Ô trả lời các câu hỏi đúng ý họ, trong ngày lấy lời khai thứ 39.

Bài báo nêu các điều tra viên chỉ dừng tay khi Ô thôi vùng vẫy. Ô được đưa vào bệnh viện ngày 8.4. 2013 nhưng chết vài giờ sau đó.

Tòa án Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang) nói Ô "bị tai nạn đột ngột" trong lúc ông đang tắm !

Nhưng gia đình O không tin kết luận này. Họ đưa ảnh chụp ông lên mạng internet, cho thấy ông đã bị đánh đập thậm tệ, đòi viện kiểm sát phải mở cuộc giảo nghiệm tử thi.

Theo biên bản pháp y mà tờ báo đăng ảnh, phổi Ô bị tràn nước khiến phổi bị ngưng rối loạn dẫn đến tử vong.

Vợ của Ô là Wu Qian nói: "Ông nhà tôi là người mạnh khỏe trước khi bị giam, nhưng ông ấy gầy trơ xương như một ngưởi ăn xin khi chết. Ông ấy bị thương tích ở trong và ngoài cơ thể trong 38 ngày bị giam.Có lẽ ông ấy đã bị tra tấn ngoài việc bị trấn nước như ngành kiểm sát đã nêu".

Bà khẳng định chồng bà không hề tham nhũng, và ông cho rằng được CCDI mời hợp tác điều tra về người khác. Bà cho biết lần cuối cùng thấy chồng còn sống là ngày 1-3-2013, khi ông tiễn bà ra máy bay từ Bắc Kinh về Ôn Châu. Vài ngày sau, bà được thông báo chồng bà là đối tượng của một cuộc điều tra kỷ luật.

Ô được kết nạp CPC từ năm 1998, là gương mặt sáng giá ở Tập đoàn đầu tư công nghiệp nhà nước Ôn Châu (đầu tư vào năng lượng cùng các ngành công nghệ khác, có tổng số vố 4,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 750 triệu USD).

"Thủ trưởng" che giấu sự thật

Ngày 30.10, vợ của Ô và luật sư cho biết tòa án đã tuyên 5 cán bộ CCDI làm chết Ô phải ngồi tù từ 4 đến 14 năm tù, còn cán bộ kiểm sát Ôn Châu bị 8 năm tù. Một cán bộ là Cheng Wenjie khai các cán bộ cấp cao CCDI ở Ôn Châu đã cho phép "trấn nước" Ô" vì biết ông sợ nước.

Cheng còn khai khi biết Ô chết, cả 6 người đều sợ xanh mặt, rồi cán bộ Liu Xianfeng đề nghị anh ta cùng hai người khác nhận trách nhiệm "vì lãnh đạo biết ít người dính líu càng tốt".

Cán bộ Chen Zheyi khai Liu lệnh cho anh ta phải xóa hình ảnh video quay cảnh lấy cung Ô.

Liu từ chối trả lời, chỉ khai với công an khi bị điều tra, rằng ông ta chỉ đạo làm thế vì không muốn quá nhiều người dính líu: "Nếu tôi có thể bảo vệ ai thì tôi phải bảo vệ. Ngoài ra, sẽ khống tốt nếu giới truyền thông biết được vụ này".

Luật sư Pu Zhiqiang của Ô cho biết lúc mở đầu phiên tòa xử 6 cán bộ vào ngày 16-9, ông bị hội đồng xét xử ( HĐXX) cấm đặt câu hỏi với bị cáo đầu tiên, rồi đuổi nhóm bào chữa khỏi phòng xử.

Pu cũng cho biết HĐXX cấm nêu danh vị cán bộ chủ chốt nào đã ra lệnh điều tra Ô, nên ông chỉ có thể gọi người ấy là "lãnh đạo". Pu nói: "Thế nào cũng phải có lệnh từ trên. 6 bị cáo chỉ được chọn để gánh tội thay".

Vợ Ô cũng nói đảng bộ Ôn Châu muốn "bao che" nên đã yêu cầu HĐXX cấm đặt câu hỏi về ai là người ra lệnh: "Họ muốn che giấu sự thật".

Vụ Ô đã khiến dư luận TQ bức xúc, khi ảnh xác ông được gia đình đưa lên mạng internet trước khi 6 cán bộ bị bắt. Một cư dân mạng viết: "Trước quyền lực quá mạnh, chúng ta chỉ là lũ kiến, thậm chí cả đảng viên cũng không được loại trừ".

Ngay cả Tân Hoa Xã cũng bình: "Nếu không xác lập quyền lực trong hệ thống trại giam, sẽ khó giúp bất kỳ công dân nào cảm thấy được an toàn". Viện trưởng Viện kiểm sát Cao Jianming nói cán bộ điều tra quá chú trọng lời khai thay vì tìm chứng cứ".

Những vụ cán bộ "chết đột ngột" khi đang bị hỏi cung là chuyện chẳng hiếm ở TQ. Ngày 3.6.2013, Qian Guoliang, một cán bộ 48 tuổi chuyên về mảng dự báo động đất ở huyện Huangmei (tỉnh Hồ Bắc) chết sau khi lên cơn co giật và bất tỉnh, nên được các cán bộ CCDI đưa đến bệnh viện.

Gia đình cho biết ông bị bắt ngày 8.4, và họ đòi xem băng ghi hình - ghi âm cuộc hỏi cung nhưng không được đáp ứng.

Vợ Qian là Wang Qizhen cho biết từng nghe tin đồn có "lệnh trên" bao che cho ít nhất 3 cán bộ tham nhũng nhưng không phải chồng bà.

Bảo Vĩnh(tổng hợp)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . Tin tuc hot online, Tin nong trong ngay - Posts · Comments
Theme Designed by tintuchotonline