ĐTTC số ra ngày 18-8-2014 có bài "Không cho vay ưu đãi tràn lan", ghi nhận nhiều ý kiến của các bộ, ngành, nhà băng (NH) cũng như sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Để có thêm ý kiến đa chiều, ĐTTC đã trao đổi với TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, về các giải pháp cần thực hiện để gói tín dụng này phát huy hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai.
Giải pháp hỗ trợ tích cực
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận xét thế nào về gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho ngư dân vay đóng tàu chính thức triển khai từ ngày 25-8-2014?
Có thể đối tượng rộng rãi nhưng chỉ phục vụ trực tiếp cho vấn đề đánh bắt xa bờ. Ở đây cũng cần lưu ý là việc ngư dân đóng tàu phải có sự tính toán kỹ lưỡng hơn về mặt kỹ thuật để phù hợp với việc đánh bắt. Ngư dân có kinh nghiệm tự lựa chọn những con tàu phù hợp nhưng trong quá trình phát triển, hiện đại hóa cũng nên khuyến nghị ngư dân cải tiến kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu mới.
TS. TRẦN DU LỊCH: - Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho ngư dân vay đóng tàu đã được Thống đốc NHNN thông báo tại kỳ họp Quốc hội tháng 6-2014. Sau khi thông báo này đưa ra đã tạo sự phấn khởi cho ngư dân, vì cho đến nay ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu tự huy động nguồn vốn riêng hoặc vay vốn với lãi suất rất cao để đóng tài.
Đó là một gánh nặng nợ nần rất lớn. Vì vậy, gói tín dụng này là giải pháp hỗ trợ tích cực, ngư dân có thể thực hiện đóng tàu từ 300-500 mã lực đáp ứng yêu cầu đánh bắt xa bờ, nhất là hiện nay đang có nhu cầu đóng tàu vỏ sắt hoặc vỏ composite để bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại vì trước đây cũng có chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997, nhưng không mang lại thành công, thậm chí phải khoanh nợ. Song tôi nghĩ rằng, rủi ro trong gói tín dụng cũng phải tính, nhưng chủ trương của gói tín dụng này là cần thiết, bởi những năm qua ngư dân phải chịu một chi phí tài chính rất lớn để có thể thực hiện đóng tàu phục vụ nghề nghiệp của mình.
- Vậy theo ông cần rút kinh nghiệm gì từ chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997?
- Như tôi đã nói, chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997 đã không thành công do cách thức NH cho vay và kiểm soát dòng tiền, thậm chí lúc bấy giờ NH còn cho vay một số hợp tác xã rất yếu kém trong quản trị.
Chủ thể vay, vấn đề giám sát dòng tiền, sản phẩm và trách nhiệm của NH cho vay cũng chưa rõ ràng. Cách làm theo phong trào cũng là một nguyên nhân gây thất bại. Nói nôm na, chủ trương lớn nhưng đem lại kết quả rất ít và phải khoanh nợ, giãn nợ. Đó là những vấn đề cần rút kinh nghiệm.
3 vấn đề quan tâm
- Thẩm định và giám sát chương trình cho vay này rất quan trọng, bởi cho vay gần như cả con tàu và NHNN hỗ trợ rất lớn từ 4-6%/năm, chủ tàu chỉ trả lãi 1-3%/năm (lãi vay chỉ 7%/năm). Vậy NH giám sát người vay như thế nào và NHNN giám sát NHTM ra sao?
NHNN vừa ban hành Thông tư 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2014. Theo đó, từ nay ngư dân sẽ có điều kiện tiếp cận gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất để đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ.
- Ở đây có 3 vấn đề liên quan đến chủ trương để thực hiện chúng ta cần phải quan tâm. Thứ nhất, đối tượng vay là ai? Đối tượng vay là ngư dân nhưng không phải là tất cả ngư dân mà là những chủ tàu, những hộ đánh bắt thủy hải sản có trực tiếp tổ chức đánh bắt, tức là những ngư dân có nhu cầu thực sự, có khả năng làm ăn nhưng không có khả năng huy động nguồn tín dụng nên hỗ trợ tín dụng cho họ.
Xác định rõ điều này để tránh một tình trạng khi thực hiện có thể xảy ra, đó là sự thiếu minh bạch hoặc sự thông đồng của một số cán bộ ở cơ sở địa phương do thiếu công tâm và tiêu cực để dẫn dắt cho vay không đúng đối tượng.
Thứ hai, với nguồn tín dụng cho vay, NH phải giám sát chặt chẽ. Thí dụ như NH có thể trả thanh toán trực tiếp cho các hợp đồng đóng tàu, để biết rõ nguồn tín dụng đó được cấp để làm ra con tàu đó. Thứ ba, NH phải theo dõi để biết những ngư dân đó đưa con tàu ra hoạt động suốt quá trình vay, nguồn lợi, nguồn thu thế nào và sử dụng ra sao.
Khi cho vay NHTM phải chặt chẽ trong theo dõi sản phẩm con tàu. Tức phải biết được thông tin, hoạt động chứ không chỉ cho vay đóng tàu là xong. Ngoài ra, cơ chế thế chấp phải rõ ràng và chặt chẽ, để tất cả các tàu có thể đậu chỗ này chỗ kia nhưng đều có đăng ký và con tàu đó là tài sản thế chấp NH.
Nói tóm lại, tôi đang quay về nguyên lý cấp tín dụng: một là cho vay để làm gì, hai là đồng tiền cho vay chảy vào đâu, sinh lợi không, ba là khả năng thu lại để trả nợ. Đó là 3 nguyên tắc của tín dụng nhưng lâu nay NH không làm tốt ở các lĩnh vực khác.
Đặc biệt lần này, chương trình cho ngư dân vay đóng tàu được NHNN có hỗ trợ một phần lãi suất phải rút kinh nghiệm gói kích cầu tín dụng bù lãi suất 4% áp dụng năm 2009-2010. Cơ bản gói kích cầu tín dụng bù lãi suất thực hiện đúng đối tượng, chỉ có một vài tiêu cực. Do vậy lần này nên lấy những kinh nghiệm đó áp dụng vào trường hợp này.
Đối với vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không thể làm theo kiểu phong trào. Đồng thời, khi chương trình triển khai cũng loại trừ những công ty không có kinh nghiệm gì trong đánh bắt hải sản lại đi vay đóng tàu.
Nếu những công ty đó đóng tàu cho thuê thì áp dụng cơ chế khác, không áp dụng trong chương trình ưu đãi lãi suất. Đối với hợp tác xã, tôi nghĩ nên tiếp tục áp dụng cơ chế này nếu như họ là hợp tác xã đánh bắt. Hay là đối với một số người đóng tàu hậu cần để thu mua hoặc cung cấp nguyên liệu cho ngư dân cũng nên áp dụng để khuyến khích hoạt động này.
Kết hợp 4 bên
- Một số NH như BIDV cho biết không chỉ hỗ trợ vốn vay cho ngư dân mà còn đang đề xuất giới thiệu những mẫu tàu cho ngư dân lựa chọn và cho vay thêm vốn lưu động chỉ 5%/năm?
- Tôi cho rằng những động thái tích cực mà NH đưa ra rất tốt, ngoài ra NH có thể nhập cuộc và nối kết những công ty, cơ sở đóng tàu. Hiện nay, tôi biết có một số cơ sở đóng tàu, chẳng hạn như Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy Đại học Nha Trang.
Chúng ta có thể kết hợp để hướng dẫn ngư dân dần dần hiện đại hóa các mẫu tàu phù hợp để ngư dân lựa chọn sử dụng. Ở đây mục tiêu là NHTM thực hiện chương trình cho vay đóng tàu là làm nhiệm vụ chạy theo kinh doanh, dĩ nhiên là về phần lãi suất thì NH vẫn có lãi vì NHNN bù lãi suất cho NHTM.
Do đó, NHNN cũng nên giám sát toàn bộ hoạt động của NHTM thực hiện nhiệm vụ này như trước đây đã giám sát gói kích cầu tín dụng bù lãi suất 4%, vì cuối cùng khoản chênh lệch bù lãi suất này NHNN phải thanh toán lại cho NHTM.
Ngư dân phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đóng tàu công suất lớn
đánh bắt xa bờ.
- Ông có thêm kiến nghị gì cho địa phương nơi có chủ tàu vay trong gói này?
- Theo tôi, không ai nắm tình hình đời sống, hoạt động đánh bắt của ngư dân bằng chính quyền địa phương. Do đó, chính quyền địa phương là kênh quan trọng. Chúng ta có thể áp dụng cơ chế phối hợp gồm NHTM, ngư dân trực tiếp vay, chính quyền địa phương và các viện nghiên cứu về đóng tàu hay các công ty kỹ thuật.
Sự phối hợp 4 bên để có sự đánh giá trong vấn đề thiết kế tàu cũng như quy mô, loại tàu phù hợp cho từng ngư dân tổ chức đánh bắt. NH cũng có thể vận dụng chương trình kết nối NH - công ty đang được triển khai tại TPHCM.
Theo đó, chương trình này đã nối kết được với chính quyền địa phương tham gia và đảm bảo vai trò quan trọng quyết định thành công hay không. Bởi không NH nào hiểu được ngư dân bằng chính quyền nơi họ hoạt động. Song điều này cũng đòi hỏi chính quyền địa phương phải có sự công tâm, vô tư, tránh tình trạng tiêu cực diễn ra để lấy nguồn tín dụng này.
Theo tôi, đây là một gói tín dụng có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội rất lớn cùng với các chương trình hỗ trợ về biển đảo hiện nay, nếu chúng ta hỗ trợ tốt sẽ không dừng lại ở mức 10.000 tỷ đồng. Trong thời gian dài, tùy theo nhu cầu đóng mới tàu cũng như yêu cầu hiện đại hóa ngư nghiệp, nhất là đánh bắt xa bờ khi rút kinh nghiệm từ gói tín dụng này.
Vấn đề thành bại hay không, tôi khẳng định phải có trách nhiệm giám sát dòng tiền của NH cho vay và sự giám sát của NHNN về gói này trong quá trình thực hiện để có thể có những điều chỉnh cần thiết nếu có vướng mắc.
- Xin cảm ơn ông.